Xu thế toàn cầu
Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,45 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng với đó, nước biển dâng và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí và nguồn nước, suy thoái đất... đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh môi trường, sức khỏe cộng đồng và nền tảng phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, giúp các quốc gia thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và hạn chế những rủi ro môi trường dài hạn.
Áp lực từ cộng đồng quốc tế và các hiệp định toàn cầu đã tạo ra khuôn khổ pháp lý và cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015) đã đặt ra mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời yêu cầu các quốc gia xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs).
Bên cạnh đó, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và công bằng xã hội. Nhiều quốc gia đã cụ thể hóa cam kết này bằng các chính sách như: thuế carbon, quy định khí thải, thúc đẩy tài chính xanh và khuyến khích đổi mới công nghệ xanh.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng ngày càng trở thành yếu tố bắt buộc trong đầu tư quốc tế và quản trị doanh nghiệp, tạo áp lực thúc đẩy các nền kinh tế hướng tới mô hình phát triển bền vững hơn.
Tăng trưởng xanh mang lại lợi ích dài hạn và bền vững cho nền kinh tế. Không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mô hình tăng trưởng này còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới thông qua việc mở rộng các ngành công nghiệp xanh như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ xử lý môi trường và kinh tế tuần hoàn.
Theo Báo cáo Triển vọng việc làm xanh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể tạo ra hơn 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2030, đồng thời giảm bớt nguy cơ mất việc trong các ngành gây ô nhiễm cao.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh giúp các quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng cường đổi mới sáng tạo và giảm thiểu chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Thực tiễn triển khai tại Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021.
Chiến lược này đặt ra 4 mục tiêu trọng tâm: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế thông qua đổi mới công nghệ và mô hình sản xuất; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội; và (4) Xây dựng hệ thống thể chế và chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương đã cụ thể hóa chiến lược quốc gia thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh và tích hợp các nội dung xanh vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Tính đến cuối năm 2023, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hơn 40 địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, trong đó nhiều tỉnh trọng điểm đã triển khai các dự án chuyển đổi xanh mang tính đột phá.
Một số thí dụ điển hình cho thấy xu hướng chuyển dịch tích cực sang mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam. Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã trở thành trung tâm phát triển điện mặt trời và điện gió, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và chính sách ưu đãi đầu tư. Tính đến năm 2023, tổng công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận đã đạt gần 2.500MW, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng tái tạo cả nước.
Trong ngành nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long đã ứng dụng năng lượng sinh khối từ vỏ trấu, mía, rơm rạ để thay thế nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm phát thải và tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, các ngành dệt may, da giày - vốn là ngành xuất khẩu mũi nhọn - cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch hơn, tái sử dụng nước và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu môi trường khắt khe của các thị trường như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư xanh còn hạn chế, nhất là tại các địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến việc chuyển đổi công nghệ và quy trình sản xuất gặp khó khăn.
Thứ hai, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường tại Việt Nam còn lạc hậu và chi phí cao, dẫn đến rào cản trong việc tiếp cận và triển khai ở quy mô lớn.
Thứ ba, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tăng trưởng xanh còn chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi đây là động lực tăng trưởng dài hạn mà chỉ là chi phí tuân thủ ngắn hạn.
Cuối cùng, hệ thống thể chế và chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh còn thiếu đồng bộ, chồng chéo và chưa tạo được cơ chế khuyến khích đủ mạnh, đặc biệt là về tín dụng xanh, thuế carbon, và định giá phát thải.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hệ thống, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển bền vững.
Cụ thể, Nhà nước cần xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, như ban hành chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất tuần hoàn.
Đồng thời, việc thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt cũng góp phần định hướng lại hành vi sản xuất-tiêu dùng theo hướng bền vững hơn. Song song với đó, phát triển tài chính xanh là một trụ cột không thể thiếu. Cần thúc đẩy các công cụ như trái phiếu xanh, tín dụng xanh và quỹ đầu tư xanh, đồng thời lồng ghép các tiêu chí môi trường-xã hội-quản trị (ESG) vào hệ thống ngân hàng và định chế tài chính nhằm tạo ra dòng vốn ổn định cho các dự án thân thiện với môi trường.
Bên cạnh chính sách và tài chính, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là giải pháp có ý nghĩa lâu dài. Việc lồng ghép giáo dục về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vào chương trình học, cùng với các chiến dịch truyền thông rộng khắp, sẽ giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng tiêu dùng xanh, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế rác thải.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh cũng đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong việc tiếp cận công nghệ cao, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực xanh, và học hỏi kinh nghiệm quản trị môi trường từ các quốc gia tiên tiến.
Việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định môi trường toàn cầu và các sáng kiến khu vực sẽ góp phần nâng cao năng lực ứng phó của Việt Nam trước các thách thức xuyên biên giới như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng hay an ninh nguồn nước.
Như vậy, tăng trưởng xanh chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách, nguồn lực tài chính, công nghệ, cộng đồng xã hội và hợp tác quốc tế, từ đó hướng tới một nền kinh tế hiệu quả, thân thiện với môi trường và công bằng cho mọi thế hệ.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-truong-xanh-con-duong-phat-trien-ben-vung-post872362.html
Bình luận (0)