Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ sáu, bên phải sang) cùng lãnh đạo thành phố và Tập đoàn FPT cắt băng khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn đầu tiên tại Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Năm 2030, Đà Nẵng thuộc nhóm dẫn đầu khoa học công nghệ
Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là “xương sống” để Việt Nam bứt phá, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ vươn lên thành trung tâm công nghệ số hàng đầu khu vực, với sức cạnh tranh thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Với định hướng trên, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 43-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với những mục tiêu, chỉ tiêu bằng hoặc cao hơn so với yêu cầu của nghị quyết. Cụ thể, đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KHCN của Đà Nẵng đạt mức tiên tiến trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc và nhóm các thành phố dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối, đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số và đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, chương trình hành động đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, tạo xung lực, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ tiếp tục được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 1-3-2025 của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9-1-2025 của Chính phủ và Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 14-2-2025 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Kế hoạch yêu cầu triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”; tăng cường áp dụng sáng kiến, KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”, điểm đến hấp dẫn về khởi nghiệp sáng tạo; triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ở địa phương - PII của thành phố , qua đó, xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của thành phố.
Từ tháng 9-2023, thành phố bắt đầu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, đón đầu xu hướng công nghệ mới của thế giới. TRONG ẢNH: Các lập trình viên tham dự sự kiện “Build with AI Đà Nẵng 2025”. Ảnh: M.QUẾ |
Tập trung thúc đẩy khoa học công nghệ
Thời gian qua, hoạt động KNCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của thành phố đạt được những kết quả nổi bật và đóng góp rõ nét vào phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng cũng xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và tập trung vào sự phát triển của doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, Đà Nẵng triển khai thực hiện trên 105 nhiệm vụ KHCN các cấp với tổng kinh phí đầu tư 140 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024, thành phố hỗ trợ trực tiếp khoảng 150 lượt doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua các chính sách.
Nỗ lực phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của thành phố được các cấp ghi nhận và đánh giá cao, là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh các năm 2020, 2022, 2023 và 2024. Năm 2024, đánh dấu 14 năm liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam - Vietnam ICT Index; năm thứ 4 liên tiếp đến nay xếp hạng Nhất chuyển đổi số cấp tỉnh DTI. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương duy nhất tại Việt Nam 5 năm liền được trao giải thưởng Thành phố thông minh, minh chứng cho những thành tựu trong quá trình chuyển đổi số. Những kết quả này làm nền tảng vững chắc, mở ra thêm nhiều không gian phát triển mới cho thành phố. Từ tháng 9-2023, thành phố bắt đầu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, đón đầu xu hướng công nghệ mới của thế giới.
Theo ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, một số chỉ tiêu chuyển đổi số chính của thành phố năm 2025 là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố cao nhất cả nước, đạt 90%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 75% (năm 2024 là 60%); cắt giảm 20% thủ tục hành chính qua sử dụng dữ liệu số; phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản số để sử dụng dịch vụ công, 50% có chữ ký số; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 1 điện thoại thông minh có kết nối internet. Để đạt các chỉ tiêu trên, thành phố đặt ra các nhiệm vụ: đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số; thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KHCN, công nghệ thông tin; triển khai tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo; tăng cường hợp tác quốc tế.
Thành phố sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển KHCN, không gian đổi mới sáng tạo, các vườn ươm doanh nghiệp, hạ tầng số trên địa bàn. Thành phố ưu tiên bố trí kinh phí và tăng dần theo nhu cầu để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, thành phố dành nguồn lực đầu tư công cho công trình, dự án thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN khoảng 3.500 tỷ đồng, bằng 6-7% vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
MAI QUẾ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/tao-be-phong-tu-nghi-quyet-so-57-nqtw-4005921/
Bình luận (0)