Nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện hạt nhân
Sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, chưa tương thích với một số luật mới ban hành, chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ.

Tờ trình dự án Luật cũng đề cập nhiều nội dung từ thực tiễn hoặc thông lệ quốc tế chưa được bổ sung vào Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 như: vấn đề thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, luật mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; nội luật hóa điều ước quốc tế và bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (thanh tra; an ninh, thanh sát hạt nhân; quan trắc phóng xạ...)...
Cùng với đó là các nội dung về thiết lập các quy định đặc thù đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân như các nguyên tắc thanh tra, thẩm quyền của cơ quan thanh tra, thanh tra viên, nội dung thanh tra, xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra và hoạt động thanh sát hạt nhân để đáp ứng các yêu cầu thanh tra đối với các cơ sở bức xạ, hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân, cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Cũng theo Tờ trình, Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập do sự chồng chéo trong chức năng quản lý của bộ, ngành liên quan đến: thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở hạt nhân; cấp giấy phép chế biến quặng phóng xạ, giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân...
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Việt Nam. Các quy định mới được xây dựng theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần thiết xây dựng và ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử, tạo điều kiện cho phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư; phân cấp, phân quyền kèm theo các cơ chế chính sách đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện hạt nhân trong thời gian tới, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Xem xét mở rộng các biện pháp thúc đẩy xã hội hóa
Quan tâm tới nội dung về thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại Điều 13 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội dung này là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia nghiên cứu phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Ghi nhận dự thảo Luật đã quy định chiến lược, phát triển nguồn nhân lực, các biện pháp thúc đẩy và xã hội hoá trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét mở rộng các biện pháp thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực này nhằm huy động thêm sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, đơn cử trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, năng lượng nguyên tử là lĩnh vực mới, tiềm ẩn rủi ro cao, do đó cần quan tâm đến hai khía cạnh trong việc xã hội hóa lĩnh vực này, đó là: phải bảo đảm an toàn bức xạ và bảo đảm an toàn thông tin do lĩnh vực này liên quan nhiều đến thông tin bí mật quốc gia.
Cũng quan tâm đến phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, điểm khác biệt rất lớn trong dự án Luật này so với Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư là đề xuất giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân, thay vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Nhất trí rằng đề xuất trên là nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng lưu ý, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân rất quan trọng, có tác động rất lớn tới môi trường, kinh tế - xã hội, tiềm ẩn nguy cơ và an toàn hạt nhân… Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ: nếu phân cấp cho Thủ tướng thì thủ tục nhanh hơn, gọn hơn hay tốt hơn như thế nào? Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, các dự án trọng điểm quốc gia cần trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nếu được chuẩn bị kỹ hồ sơ thì cũng không mất nhiều thời gian. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị, cân nhắc thận trọng và cần báo cáo đầy đủ, kỹ lưỡng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tao-co-so-phap-ly-toan-dien-phat-trien-ben-vung-ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-post410227.html
Bình luận (0)