Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh dành sự quan tâm lớn cho phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách, giải pháp đã được triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Chất lượng dạy học các cấp học, bậc học không ngừng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, giúp nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo thường xuyên được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục, đào tạo, không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao. Chế độ, chính sách đãi ngộ về tiền lương, bảo hiểm, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Cơ cấu lao động theo ngành chuyển dịch tích cực, từng bước hướng tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hết năm 2024, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 16,7%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 34,4%; khu vực dịch vụ chiếm 48,9%. Chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng lên rõ rệt, với tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2024 đạt khoảng 87%, trong đó 51% có bằng cấp, chứng chỉ. Năng suất lao động xã hội bình quân của tỉnh luôn trong top đầu cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm từ 3,29% (năm 2020) xuống còn 2,16% (năm 2024), thấp hơn binh quân chung cả nước. Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đông đảo, nhiều ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực quốc tế đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người; nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng, tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố/tỉnh học tập toàn cầu UNESCO.
Để thực hiện mục tiêu trên, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp liên quan đến xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quy hoạch đào tạo nghề; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo; tăng cường liên kết với doanh nghiệp và thị trường lao động; thu hút đầu tư cho hạ tầng giáo dục, KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Kết luận nội dung này, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, đòi hỏi tỉnh phải có sự đột phá hơn nữa trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, các giải pháp đưa ra phải được xây dựng kỹ lưỡng, phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Nguồn lực đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực cũng phải được tập trung vào các khâu trọng yếu nhất, then chốt nhất, không dàn trải. Việc phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có để có cơ chế tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phù hợp. Đồng thời cũng phải có giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, trong bối cảnh tới đây sẽ thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, cần nghiên cứu phương án phân cấp cho chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển của từng địa phương, cũng như của cả tỉnh.
Về định hướng dài hạn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực phải được cập nhật trong dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XV trình Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó triển khai những bước đi bài bản, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị nhiệm kỳ tới.
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe, cho ý kiến nhiệm vụ công tác trong tuần và nhiều nội dung quan trọng khác.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tao-dot-pha-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-trong-ky-nguyen-moi-3355673.html
Bình luận (0)