Hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt, nghệ nhân Y Nhẻo vẫn giữ cách se sợi bông truyền thống, công việc hiện rất ít người làm, khi mà sợi công nghiệp ngày càng phổ biến.
Nghệ nhân Y Nhẻo, Xã Đăk Rơ Wa, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ công đoạn kéo sợi là một trong những công đoạn tạo nên sản phẩm thổ cẩm. Để làm được một tấm thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn như lấy bông, se sợi, nhuộm sợi … mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, sáng tạo và khéo léo. Người Ba Na chúng tôi thường dùng các loại vỏ, lá, rễ, mủ hoặc lá của các loại cây rừng để nhuộm màu.
Để thổ cẩm Ba Na đến gần hơn với thị trường, ngoài việc giữ lại sợi vải, khung cửi, các nghệ nhân, những bạn trẻ khởi nghiệp còn tìm tòi những đường nét hoa văn cổ và hiện đại, làm mới sản phẩm. Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ dừng lại ở khố, váy, áo truyền thống, mà còn được sáng tạo thành túi xách, ví, khăn choàng, đồ trang trí nội thất hay quà lưu niệm… phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
“Ở đây tôi và một số các giá, các mẹ già ở đây thì có thể dệt được những dòng hoa văn rất là khác biệt, có thể gọi là hoa văn Bngai tức là hoa văn hình người thì đây là hoa văn khác biệt với nhóm tộc khác ở Tây nguyên.”
Chị Y Thoa, Chủ cơ sở dệt Y Thoa, phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi, cho hay:
“Những cái hoa văn á, chúng tôi không bao giờ mà để làm mất, hoặc là mai một nó, không thay đổi cái hình ảnh đó. Tôi vẫn để cái hình ảnh đó và tôi sẽ chọn tất cả những cái màu trên thị trường. Ví dụ là các nước Pháp, Nhật, họ yêu cầu mình làm cái màu của họ, mình lấy những cái hoa văn của mình, mình kết nối, rồi thiết kế lại đưa vô với những cái màu của họ. Cho ra cái sản phẩm rất là đẹp”.
Tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở thôn Kon Kon Klor, phường Kon Tum. Các sản phẩm tạo ra được thị trường đón nhận, nhờ đó, các thành viên trong Tổ hợp tác gắn bó hơn với nghề dệt truyền thống.
Nghệ nhân Y Hanh, thành viên Tổ hợp tác dệt thôn Kon Klor, phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ:
Trước đây tôi thấy là cũng khó khăn, nhiều bà con, chị em họ thấy khó quá, họ cũng không thích. Nhưng mà bữa nay á, ai ai cũng thích, ai ai cũng mong muốn để mà biết dệt. Từ hồi đó tới bây giờ là gia đình nào cũng biết dệt hết. Ngày mà mùa mưa là không có đi làm được, ở nhà họ dệt, có khi họ tranh thủ cả buổi tối.”
Việc gìn giữ và phát huy giá trị của nghề dệt truyền thống của người dân tộc Ba Na là cơ hội để phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Nguồn: https://quangngaitv.vn/tao-huong-di-vung-chac-cho-nghe-det-truyen-thong-6505161.html
Bình luận (0)