Sở Công Thương sau khi hợp nhất, sắp xếp lại có 4 phòng (Văn phòng, Phòng Quản lý thương mại, Phòng Quản lý công nghiệp, Phòng Quản lý năng lượng); 1 đơn vị thuộc Sở (Chi cục Quản lý thị trường) và 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở (Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại). Sở hiện có 200 công chức, viên chức và người lao động.
Để tổ chức hoạt động ngay sau sắp xếp, Sở Công Thương đã bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, cung cấp trang thiết bị cho công chức, viên chức; phân công nhiệm vụ lãnh đạo Sở; phân công công tác đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở và tiếp nhận 24 công chức Sở Công Thương Phú Yên (cũ) đến công tác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau hợp nhất, sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Đắk Lắk tăng 4 sản phẩm, hiện toàn tỉnh có 34 sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, bao gồm: KCN Hòa Phú, KCN An Phú, KCN Đông Bắc Sông Cầu - KV1, KCN Đông Bắc Sông Cầu - KV2 và 2 KCN nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Thu An phát biểu tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, tỉnh có 22 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích đất 1.011,5 ha, thu hút 202 dự án đang hoạt động, đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 8.771,7 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy khoảng 60,6%.
Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện gần 92.742 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,8% kế hoạch năm), kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD (đạt 68% kế hoạch, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2024).
Mục tiêu đến cuối năm 2025 của ngành công thương là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4%; tổng kim xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2024.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin những nội dung liên quan đến tình hình đất đai của các dự án. |
Tại buổi làm việc, Sở Công Thương đã đề xuất, kiến nghị với UBDN tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển CCN; xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN; công tác quản lý, phát triển công nghiệp năng lượng và hỗ trợ thúc đẩy thương mại nội địa, xuất nhập khẩu...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đề nghị thời gian tới, Sở Công Thương cần sớm ổn định tổ chức bộ máy, hoàn chỉnh thủ tục hành chính liên quan để mọi hoạt động vận hành thông suốt; rà soát hoạt động của ngành, trong đó phải tổng hợp, tích hợp thông tin, số liệu đầy đủ cả phía Đông và Tây để thấy rõ bức tranh toàn diện về lĩnh vực công thương. Từ đó, xác định những ngành lợi thế, sản phẩm chủ lực, có nét riêng để phát triển nhằm tăng giá trị sản phẩm công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, ngành công thương cần đánh giá hiện trạng các KCN, CCN, thống nhất trong chính sách, tổ chức không gian phát triển, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp; rà soát, thống kê danh mục các dự án năng lượng, dự án cung cấp điện và chỉ ra vướng mắc, khó khăn của từng dự án để có giải pháp tháo gỡ, sớm đưa vào dự án đi vào hoạt động. Đồng thời, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/tap-trung-phat-trien-nganh-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-co-net-rieng-78009cd/
Bình luận (0)