Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thái Nguyên hợp nhất: Tăng dư địa, tăng sức hút

Việc hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn giúp kiến tạo, hình thành không gian phát triển mới, với diện tích trên 8.300km2 và dân số trên 1,68 triệu người. Hợp nhất cấp tỉnh không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư khi Thái Nguyên được mở thêm những không gian phát triển.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên01/07/2025

Nhờ đẩy mạnh các chính sách ưu đãi, cải cách hành chính, Thái Nguyên trở thành bến đỗ của nhiều nhà đầu tư lớn.
Nhờ đẩy mạnh các chính sách ưu đãi, cải cách hành chính, Thái Nguyên trở thành bến đỗ của nhiều nhà đầu tư lớn.

Tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng

Với khát vọng đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Với phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà được rà soát đề nghị bãi bỏ.

Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã rút ngắn thời gian trả kết quả đăng ký doanh nghiệp từ 3 xuống còn 2 ngày; kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư từ 35 xuống còn 25 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 xuống còn 10 ngày. Việc thẩm định nhu cầu về đất (như điều kiện giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…) đều được đơn giản hóa.

Ông Đoàn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy), đánh giá: Tôi đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn KD (Nhật Bản) chuyên cung cấp dịch vụ xử lý nhiệt tôi cao tần đã chọn tỉnh để xây dựng nhà máy. Công ty KD Heat Technology Thái Nguyên ra đời năm 2013 cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, xe máy, máy móc công nghiệp… trong nước.

Sản xuất tại Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên, Khu công nghiệp Điềm Thụy.
Sản xuất tại Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên, Khu công nghiệp Điềm Thụy.

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương.

Thu hút nhiều “ông lớn"

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao.

Là tỉnh có lợi thế về quỹ đất, hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng điện, nước, nguyên liệu đầu vào và nguồn lực lao động dồi dào, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 2.067ha.

2025 là năm Thái Nguyên về đích với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Ngay từ những tháng đầu năm 2025, hàng loạt các dự án, công trình có quy mô đã được khởi động, đáng chú ý là: Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2; Khu công nghiệp Yên Bình 3; Khu nghỉ dưỡng 6 sao quốc tế đầu tiên ở Việt Nam Flamingo Majestic Islands Resort; cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối 2 phường Đồng Bẩm, Quang Vinh với xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên. Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm cũng được tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ.

Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch với mục tiêu tạo nền móng cho thời kỳ tăng trưởng mới.

Thái Nguyên có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thái Nguyên có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với những chính sách ưu đãi, công tác tu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả, các thành phần kinh tế được đẩy mạnh phát triển. Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên thu hút 161 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 67.357 tỷ đồng (gồm 125 dự án ngoài KCN với số vốn 64.320 tỷ đồng và 36 dự án trong KCN với số vốn 3.037 tỷ đồng).

Lũy kế đến nay có 910 dự án trong nước (tổng vốn đăng ký 1,01 triệu tỷ đồng); cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 150 lượt dự án FDI với tổng vốn 2,73 tỷ USD; lũy kế hiện có 217 dự án FDI với tổng vốn 10,819 tỷ USD.

Tăng dư địa, khả năng cạnh tranh

Như đã nêu trên, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhập mở ra không gian phát triển mới lớn hơn, liên hoàn hơn và phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, địa phương, tái định hình toàn bộ cấu trúc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, hài hoà và có tầm nhìn dài hạn. Tỉnh Thái Nguyên (mới) sẽ có dư địa rộng lớn để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh hơn.

Kiến trúc sư Trần Hải Hưng: Sau hợp nhất, Thái Nguyên sẽ phát huy tối ưu hạ tầng giao thông, liên kết vùng thúc đẩy kết nối giao thương; quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng mới cần hợp lý, hài hòa, bổ sung hỗ trợ nhau, tập chung nguồn lực có trọng tâm, phát huy thế mạnh của từng khu vực. Đây chính là những lợi thế vượt trội để Thái Nguyên bứt phá trong thu hút đầu tư.

Hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn mở ra không gian phát triển mới là cơ hội chiến lược để tạo sự phát triển hài hòa và bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển trong tương lai mà không phải địa phương nào cũng có được. Với vị trí chiến lược và các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hóa lịch sử, tỉnh Thái Nguyên càng gia tăng vị thế và đảm nhận vai trò quan trọng đối với vùng và cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 tăng mạnh: Thái Nguyên đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với giai đoạn trước, bình quân đạt 68 nghìn tỷ đồng/năm); Bắc Kạn đạt trên 34 nghìn tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước, bình quân 6,8 nghìn tỷ đồng/năm).

Từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên thành lập mới 3.862 doanh nghiệp (vốn đăng ký 31.896 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 10.980 (vốn đăng ký 154.000 tỷ đồng). Bắc Kạn thành lập mới 375 doanh nghiệp (vốn đăng ký 4.890 tỷ đồng); tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện là hơn 1.100 doanh nghiệp (vốn đăng ký 16.600 tỷ đồng).

 

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/thai-nguyen-hop-nhat-tang-du-dia-tang-suc-hut-421080c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm