Trồng nấm lim xanh không phải công việc đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết sâu sắc về chu kỳ sinh trưởng của loại nấm này. Theo ông Bế Văn Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn-nấm dược liệu Sơn Động, trồng nấm lim xanh tương đối khó cho nên ít hộ tham gia. Người trồng cần hiểu được chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nấm, thường xuyên vệ sinh lán trại sạch sẽ, kiểm tra mầm bệnh…
Nấm lim xanh có thể được trồng trong lán trại hoặc dưới tán rừng tự nhiên, tuy nhiên mô hình dưới tán rừng được đánh giá vượt trội nhờ khả năng tận dụng môi trường tự nhiên. Nấm trồng dưới tán rừng có tỷ lệ sống đạt 86%, không mất công chăm sóc và chu kỳ thu hoạch kéo dài hơn. Sau khoảng từ 1 đến 1,5 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch, với mỗi tấn nguyên liệu cho ra khoảng 21 kg nấm khô, giá bán dao động từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/kg, mang lại lợi nhuận từ 300-400 nghìn đồng/kg sau khi trừ chi phí.
Anh Nguyễn Văn Thành, một hộ trồng nấm tại xã An Lạc, chia sẻ: Chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật như xử lý đất, làm lán, tưới nước, theo dõi nhiệt độ và điều chỉnh độ ẩm thường xuyên là cây sinh trưởng phát triển tốt. Không những vậy, kỹ thuật trồng nấm lim xanh đòi hỏi sự đầu tư ban đầu về thời gian và công sức, nhưng khi đã nắm vững, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Nấm lim xanh từ lâu đã được biết đến như một “thần dược” trong y học dân gian. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy nấm chứa hàm lượng polisacharide cao, đạt khoảng 1,42%, tương đương với nấm lim xanh mọc tự nhiên trong rừng. Chị Phạm Thị Thu, Chủ nhiệm dự án ứng dụng khoa học-công nghệ tại Sơn Động, khẳng định: “Hàm lượng polisacharide của nấm lim xanh trồng đạt mức cao, hoàn toàn có thể đưa vào trồng trong lán trại và phát triển các sản phẩm thương mại”.
Nấm lim xanh có nhiều công dụng, từ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng gan, chống oxy hóa đến hỗ trợ điều trị một số bệnh lý mạn tính. Những đặc tính này khiến nấm lim xanh trở thành nguyên liệu lý tưởng cho các sản phẩm như trà túi lọc, trà hòa tan, rượu nấm lim xanh và thực phẩm chức năng. Sự đa dạng trong ứng dụng không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, từ người tiêu dùng cá nhân đến các chuỗi bán lẻ hiện đại.
Huyện Sơn Động đã có nhiều mô hình trồng nấm lim xanh thành công, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Điển hình là Hợp tác xã sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động do ông Bế Văn Sáu điều hành. Từ năm 2013, ông Sáu bắt đầu trồng nấm lim xanh và đến năm 2019, nhờ dự án hỗ trợ khoa học-công nghệ, ông mở rộng quy mô lên 10 nghìn bịch nấm mỗi năm, trong đó 5.000 bịch trồng trong lán trại và 5.000 dưới tán rừng. Mỗi năm hợp tác xã của ông Sáu thu về hơn 300 triệu đồng với 8 tạ nấm tươi, tương đương hơn 3 tạ nấm khô.
Một câu chuyện khác là về chị Chu Thị Vui, dân tộc Nùng, ở xã Cẩm Đàn. Từ một chủ hộ khó khăn, chị Vui được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ vay 100 triệu đồng để trồng nấm lim xanh dưới tán rừng. Nhờ áp dụng kỹ thuật và sự chăm chỉ, gia đình chị hiện thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho hai hội viên phụ nữ khác. Chị Vui chia sẻ: “Nhờ trồng nấm lim xanh, tôi tự tin hơn, cuộc sống gia đình không còn chỉ phụ thuộc vào thu nhập của chồng mà còn giúp đỡ các chị em khác trong thôn”.
Để nâng cao giá trị kinh tế, các hợp tác xã và hộ dân tại Sơn Động đã đầu tư vào chế biến và đa dạng hóa sản phẩm từ nấm lim xanh. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, thị trấn Tây Yên Tử đã phát triển các sản phẩm như nấm lim xanh khô, rượu nấm lim xanh và trà nấm lim xanh... đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Toản, giám đốc hợp tác xã cho biết: “Nhờ chứng nhận OCOP, sản phẩm của chúng tôi đã được quảng bá tại nhiều điểm du lịch và các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, tạo chỗ đứng trên thị trường”.
Nấm lim xanh tại huyện Sơn Động không chỉ là một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới trong tư duy sản xuất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Những câu chuyện thành công của ông Bế Văn Sáu, chị Chu Thị Vui, anh Nguyễn Văn Thành cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng đã khẳng định tiềm năng của nấm lim xanh. Đáng chú ý, với sự định hướng rõ ràng và đồng hành của các bên, mô hình trồng nấm lim xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng, đưa thương hiệu nấm lim Sơn Động vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần cải thiện đời sống người dân vùng cao.
Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-cong-tu-mo-hinh-trong-nam-lim-xanh-post880276.html
Bình luận (0)