Ngày 14/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch thực hiện bệnh án điện tử đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ sở y tế đang gặp không ít rào cản.
Là cơ sở y tế đầu ngành, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã không ngừng ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý và KCB. Bệnh viện đã triển khai từ sớm phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS), hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS)… Ngoài ra, bệnh viện cũng triển khai sớm hệ thống Kiosk thông minh phục vụ người dân đến lấy số khám bệnh; tổ chức KCB BHYT bằng thẻ căn cước công dân hoặc ứng VNEiD…
Các phần mềm HIS, LIS, PACS là nền tảng để bệnh viện triển khai xây dựng bệnh án điện tử, tuy nhiên, cần phải được nâng cấp mới đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, bệnh viện cần tiến hành số hóa hồ sơ bệnh án, triển khai chữ ký số, mua sắm hệ thống máy tính cá nhân, buồng tiêm, hệ thống máy chủ…

Bác sỹ Lê Ngọc Thanh - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là hành lang quy định chi tiết về mua sắm, đấu thầu các thiết bị cho bệnh án điện tử nhất là phần mềm chưa đầy đủ. Định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng giá chưa có nên việc xác định giá rất khó khăn. Ngoài ra, chi phí dành cho việc triển khai bệnh án điện tử rất lớn, trong khi bệnh viện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ nên sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn về nguồn lực nếu không được sự hỗ trợ từ ngân sách”.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, trên cơ sở chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã nhanh chóng triển khai xây dựng đề án bệnh án điện tử. Điểm thuận lợi là trung tâm có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc triển khai đề án khá đồng bộ với hệ thống máy chủ gồm: máy chủ dữ liệu HIS và LIS, máy chủ hình ảnh PACS, máy chủ web; hệ thống sao lưu, lưu trữ thiết bị San Storege… Tuy nhiên, để xây dựng được bệnh án điện tử, đòi hỏi trung tâm phải nâng cấp hệ thống phần mềm, đầu tư hệ thống máy tính cá nhân, buồng tiêm và nhiều hạ tầng CNTT khác.

Bác sỹ Nguyễn Thế Phiệt - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho hay: “Đến nay, các cơ sở y tế chưa được tiếp nhận văn bản hướng dẫn cụ thể dành nguồn kinh phí nào để thực hiện bệnh án điện tử, cùng với đó, giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa tính chi phí về CNTT, trong khi giá thành để xây dựng và duy trì phần mềm bệnh án điện tử rất cao, trung tâm lại là đơn vị tự chủ nhóm II nên gặp khó khăn về kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc CNTT. Chính vì vậy, đòi hỏi sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực từ ngân sách”.
Hiện nay, các cơ sở y tế khác cũng đã bắt tay rà soát cơ sở vật chất, hạ tầng và triển khai xây dựng đề án bệnh án điện tử. Một trong những khó khăn chung mà các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đang gặp phải vẫn là nguồn chi phí đầu tư.
Để đảm bảo hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử trước ngày 30/9, Sở Y tế đã xây dựng lộ trình cụ thể. Theo đó, từ tháng 4-6, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị triển khai bệnh án điện tử và các nội dung của Đề án 06 cho các đơn vị. Đồng thời hoàn thành việc khảo sát, đánh giá năng lực triển khai tại tất cả các đơn vị. Các cơ sở chưa đủ điều kiện về hạ tầng CNTT phải lập kế hoạch mua sắm bổ sung để hoàn thành công tác chuẩn bị để tổ chức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tháng 7-8/2025 sẽ tổ chức chạy thử nghiệm hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử tại 100% cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. Đến tháng 9/2025 sẽ đồng loạt áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, đảm bảo mỗi cơ sở đều lưu trữ và khai thác bệnh án hoàn toàn bằng phương thức điện tử, đáp ứng tiêu chí số hóa ngành y tế.

Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: "Sở đã yêu cầu các cơ sở y tế xây dựng lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng từ cấp ban giám đốc đến các phòng ban chuyên môn, đảm bảo không để chồng chéo hoặc chậm trễ. Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống an toàn thông tin và vận hành thử nghiệm theo đúng tiến độ đề ra.
Chỉ đạo các đơn vị rà soát hạ tầng kỹ thuật, HIS, hệ thống PACS, LIS... để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật về hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT và Thông tư 54/2017/TT-BYT. Liên quan đến những khó khăn về chi phí đầu tư, vấn đề then chốt nhất là Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu kết cấu chi phí đầu tư hạ tầng CNTT vào giá dịch vụ y tế để giúp các cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử một cách bền vững, hiệu quả".
Nguồn: https://baohatinh.vn/thao-go-rao-can-trong-thuc-hien-benh-an-dien-tu-post286394.html
Bình luận (0)