Bức tranh “Khí thế hào hùng 30/4” được thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (SN 1983), giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) thể hiện bằng chất liệu phấn màu.
Bức tranh được vẽ trên nền bảng xanh, tái hiện sinh động thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc - ngày 30/4/1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh chiếc xe tăng dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập – một biểu tượng cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Trong bức tranh đặc biệt này còn xuất hiện các chiến sĩ giải phóng quân trong trang phục xanh, tay cầm súng, dũng cảm tiến vào bên trong dinh với biểu cảm quyết tâm, thể hiện tinh thần, khí thế và niềm tin tất thắng.

Trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được một chiến sĩ kiêu hãnh giương cao, tung bay phấp phới. "Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời" (thơ Tố Hữu) mang biểu tượng của niềm tự hào, của hòa bình và độc lập được giành lại sau bao năm tháng chiến đấu gian khổ.
Phía dưới bức tranh là dòng chữ nổi bật: "Bắc - Nam một nhà 30/4/1975 - 30/4/2025". Dòng chữ vừa là lời nhắc nhở, vừa là lời khẳng định về sự thống nhất đất nước - một dấu mốc không thể quên trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh chia sẻ: “Người dân khắp mọi miền đất nước đang hân hoan, đón chào kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất non sông, tôi muốn hòa vào không khí mừng ngày vui đại thắng theo cách riêng của mình. Sau những ngày ấp ủ, tôi quyết định tái hiện lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 tại cổng Dinh Độc Lập để lan tỏa và truyền cảm hứng cho các em học sinh và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, bày tỏ sự tri ân đến những người anh hùng – những chiến sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

Thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975 đã được ghi dấu qua bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng. Vì vậy, khi vẽ bức tranh “Khí thế hào hùng 30/4”, thầy Nguyễn Trí Hạnh ý thức phải tạo được nét riêng. Với chất liệu phấn màu trên bảng xanh, thầy giáo Mỹ thuật đã chắt chiu sáng tạo, tập trung trí lực để mang lại cho bức tranh một vẻ sinh động, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính lịch sử hào hùng.

Bức tranh “Khí thế hào hùng 30/4” ra đời đã tạo được nhiều hứng thú cho các em học sinh trong và ngoài giờ học. Đặc biệt, sau khi được đăng lên mạng xã hội Facebook, bức tranh đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng. Đa số các ý kiến đều khen ngợi đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và trái tim nồng nàn tình yêu đất nước.

Tài khoản “Sen Việt” đăng bình luận: “Chúc mừng thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh với đôi mắt tinh tế, đôi tay tài hoa và một trái tim có lửa đã góp thời gian và tâm huyết của mình vào niềm vui mừng ngày thống nhất non sông. Tác giả đã thành công khi bức tranh được nhiều người yêu thích, đón nhận và chia sẻ trên mạng xã hội”.
Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh là người đam mê nghệ thuật hội họa, có nhiều năm hoạt động nghệ thuật. Đến nay, thầy đã có gần 500 tác phẩm, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một sự kiện cụ thể xảy ra trong đời sống. Sở trường của thầy là thể hiện đề tài về công trình, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Nguồn: https://baonghean.vn/thay-giao-nghe-an-tai-hien-thoi-khac-xe-tang-huc-do-cong-dinh-doc-lap-bang-phan-mau-10295306.html
Bình luận (0)