Cơ duyên đến với việc làm phim trí tuệ nhân tạo (AI) bằng điện thoại thông minh bắt nguồn từ hành trình hơn 20 năm Phạm Vĩnh Khương gắn bó với thiết bị này. Đó là những ngày đầu anh chỉ biết chụp ảnh, quay phim với chất lượng thô sơ trên các dòng máy cũ kỹ cho đến khi smartphone trở thành một studio di động thực thụ.
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương. (Ảnh: NVCC) |
Sáng tạo không có giới hạn
Khi AI xuất hiện và phát triển vượt bậc, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương nhận ra đây không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là một cuộc cách mạng về tư duy sáng tạo. Anh tự hỏi: “Tại sao phải phụ thuộc vào những thiết bị đắt đỏ, ekip hùng hậu, trong khi tôi có thể kể chuyện bằng chính chiếc điện thoại trong tay, kết hợp với trí thông minh nhân tạo?”.
Nghĩ vậy, anh âm thầm thử nghiệm, mày mò, định hình và khai sinh khái niệm “True Smartphone Film” – làm phim tối giản, không cần thiết bị chuyên biệt, nhưng vẫn đạt chất lượng nghệ thuật và thông điệp sâu sắc.
Xác định một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng là cách để Phạm Vĩnh Khương chứng minh rằng sáng tạo không có giới hạn, chỉ cần dám nghĩ và dám làm. Và rồi, bộ phim ngắn đầu tiên mang trên Chạm (Touch) của anh được sản xuất hoàn toàn bằng AI trên điện thoại, ra mắt miễn phí vào tháng 6/2024 nhằm tuyên truyền về vấn đề bạo lực gia đình.
MV Chèo mở lái ra tiếp tục là dự án mà nam đạo diễn đặt rất nhiều tâm huyết, bởi chủ đề hướng về một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, vốn kén người nghe trong bối cảnh hiện đại.
Động lực của anh “xuất phát từ tình yêu sâu sắc với văn hóa Việt Nam và cả một chút tham vọng muốn làm sống lại những giá trị ấy theo cách mà thế hệ trẻ có thể cảm nhận được”. Anh nhận thấy AI “không chỉ là công cụ tạo hiệu ứng hình ảnh, mà còn là cầu nối để tái hiện lịch sử, văn hóa một cách sống động và gần gũi hơn”.
Trong MV này, anh dùng AI để phục dựng hình ảnh văn hóa quân đội, lồng ghép với các tư liệu quý, kết hợp chèo truyền thống với dòng nhạc Epic để tạo nên sự giao thoa vừa lạ vừa quen.
Nam đạo diễn “muốn khán giả không chỉ xem, mà còn cảm thấy tự hào về cội nguồn của mình. Đưa chèo đến gần công chúng hôm nay không phải là việc hiện đại hóa một cách khiên cưỡng, mà là dùng công nghệ để thổi hồn vào nó, khiến nó trở thành một câu chuyện sống động, chạm đến trái tim của cả những người trẻ vốn xa lạ với loại hình này”.
Một cảnh chụp trong MV “Chèo mở lái ra” của Phạm Vĩnh Khương. (Ảnh: An Bình) |
Trải nghiệm điện ảnh mới mẻ
Với đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, bảo tồn văn hóa không phải là giữ nguyên trong bảo tàng, mà để “nó tiếp tục thở, tiếp tục sống trong thời đại mới”.
Do đó, anh dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện dự án lớn - MV phim ca nhạc Bản tuyên ngôn kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và tri ân sâu sắc đến tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
“Đây không phải MV lịch sử khô khan, mà là một tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa công nghệ AI, thực tế ảo (AR) và phong cách 3D cinematic, kể lại câu chuyện về sự tự hào, đoàn kết và khát vọng vươn mình của đất nước”. Nam đạo diễn kết hợp hình ảnh, âm nhạc và công nghệ để tái hiện những khoảnh khắc hào hùng, đồng thời gửi gắm thông điệp về tương lai: Chúng ta không chỉ tự hào về quá khứ mà còn phải tiếp tục xây dựng một Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Theo Phạm Vĩnh Khương, dự án đặt ra thách thức lớn cả về kỹ thuật lẫn nội dung, khi không chỉ làm việc độc lập, anh còn hợp tác với các nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam và quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt nhất. Anh hy vọng khi ra mắt, Bản tuyên ngôn không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn khẳng định sức sáng tạo của người Việt trong kỷ nguyên số.
Một dự án khác đang được ấp ủ – bộ phim Áo trắng sau đêm trắng – dự kiến công chiếu vào ngày 27/2/2026, đúng dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Không giới hạn bản quyền hình ảnh và âm thanh, anh quyết định cho phép các bác sĩ cũng như khán giả yêu thích sử dụng miễn phí nhằm phục vụ hoạt động tuyên truyền, giúp bộ phim tiếp cận rộng rãi hơn.
Điểm đặc biệt của dự án nằm ở việc ứng dụng công nghệ AI trong suốt quá trình sản xuất. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một bộ phim tri ân ngành y tế được thực hiện hoàn toàn bằng AI. Từ kỹ xảo hình ảnh, phục dựng bối cảnh, hiệu ứng 3D đến hậu kỳ đều do AI hỗ trợ, mang đến trải nghiệm điện ảnh sáng tạo, mới mẻ và đậm chất công nghệ.
Không chỉ là một dự án điện ảnh thông thường, Áo trắng sau đêm trắng còn mang tính khoa học và giáo dục. Tác phẩm được xây dựng với sự tư vấn của các chuyên gia y tế, bác sĩ và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa nhằm bảo đảm nội dung phản ánh chân thực nhất công việc và cuộc sống của những người làm nghề y.
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa khả năng vận hành của AI, đội ngũ công nghệ thông tin của đạo diễn đã phát triển một phần mềm chuyên biệt, giúp AI xử lý dữ liệu một cách chính xác và hiệu quả hơn, góp phần khẳng định sự phát triển của công nghệ AI trong lĩnh vực điện ảnh.
Phạm Vĩnh Khương sinh năm 1992, tại TP. Hồ Chí Minh, được biết đến với những dự án phim độc đáo, sử dụng công nghệ AI và điện thoại di động như “Bức tranh Đại Việt” tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và đất nước Việt Nam, “Tiệc trắng” tuyên truyền bảo vệ trẻ em, “Mắt bão” hướng về đồng bào vùng lũ, “Chèo mở lái ra” tôn vinh loại hình nghệ thuật của dân tộc, “Ngọn lửa thép” tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... |
ạo diễn Phạm Vĩnh Khương lên sóng kênh HBO. (Ảnh: NVCC) |
Công cụ khẳng định tiếng nói
Phạm Vĩnh Khương luôn cho rằng AI không phải là “cây đũa thần” để thay thế con người, mà là người đồng hành đầy tiềm năng, nếu con người biết cách khai thác nó.
Từ kinh nghiệm của mình, anh cho biết: “Trước tiên, hãy bắt đầu từ những công cụ đơn giản, dễ tiếp cận trên chính điện thoại của các bạn – những ứng dụng AI cơ bản về hình ảnh, âm thanh hay dựng phim đều có thể tải về trực tiếp trải nghiệm.
Quan trọng hơn cả, đừng để AI dẫn dắt bạn. Hãy dẫn dắt AI, kiểm soát tốt và làm chủ nó. Sáng tạo không nằm ở công nghệ, mà nằm ở ý tưởng, kiến thức, trình độ, cảm xúc và câu chuyện bạn muốn kể”.
Trong kỷ nguyên vươn mình, đạo diễn 9X khuyến khích các bạn trẻ dùng AI để khám phá và tôn vinh bản sắc Việt Nam – từ văn hóa, lịch sử đến những vấn đề đương đại.
“Hãy biến AI thành công cụ để khẳng định tiếng nói của thế hệ mình, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. AI có thể giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất, nhưng chỉ con người mới có thể tạo ra chiều sâu. Vì vậy, đừng lười biếng trong việc trau dồi kiến thức và cảm xúc – đó mới là chìa khóa để làm chủ công nghệ, thay vì trở thành nô lệ của nó”, anh nhấn mạnh.
Những sáng tạo của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương không chỉ thể hiện tầm nhìn xa mà còn khẳng định khả năng sáng tạo đột phá của một thế hệ trẻ đang định hình nghệ thuật chuyên nghiệp.
“Tôi may mắn được truyền thông Việt Nam và quốc tế ghi nhận các công trình nghiên cứu học thuật, các thành quả vượt ngoài mong đợi. Nhưng với tôi, sự đón nhận lớn nhất không nằm ở giải thưởng, hoặc việc truyền thông liên tục săn đón hay khen ngợi, mà là khi khán giả cảm nhận được thông điệp, cảm xúc, đam mê tôi gửi gắm qua từng khung hình”. Phạm Vĩnh Khương |
Nguồn: https://baoquocte.vn/dao-dien-pham-vinh-khuong-the-gioi-phim-ai-trong-chiec-dien-thoai-309047.html
Bình luận (0)