Trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” vào tháng 2/1951, Bác viết: “Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.
Ruộng rẫy là chiến trường
Cày cuốc là vũ khí
Nhà nông là chiến sĩ
Hậu phương thi đua với tiền phương”.
Trên mặt trận nông nghiệp, tinh thần thi đua đã sớm trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ và rộng lớn, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tại Quảng Ninh, từ sau khi giải phóng Vùng mỏ đến ngày thống nhất đất nước, cùng với công nghiệp, thi đua sản xuất nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, củng cố lương thực cho quân đội, cùng với miền Bắc làm tốt vai trò "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".
Khắc phục khó khăn, gia tăng sản xuất
Sau khi tiếp quản khu mỏ, Khu ủy Hồng Quảng lãnh đạo nhân dân bắt tay vào khôi phục kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp. Toàn khu Hồng Quảng có 62.799 mẫu ruộng thì có đến 16.049 mẫu bị bỏ hoang. Điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, 2/3 diện tích ruộng phải chờ trời mưa mới cấy được. Kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng vào loại thấp nhất miền Bắc. Trước tình hình đó, Khu ủy đã chỉ đạo, tổ chức cho nông dân học tập 10 điều khuyến khích sản xuất, chính sách cải cách ruộng đất, đồng thời phát động phong trào sản xuất mùa xuân, tổ chức vỡ hoang, thành lập các đội vận động khai hoang sản xuất ở Hoành Bồ, Yên Hưng, Đông Triều.
Còn tại Hải Ninh, dù còn nhiều khó khăn như hạn hán, bão lụt, nhưng cán bộ tích cực vận động đồng bào các dân tộc ở Ba Chẽ, Tiên Yên… hồi cư gia tăng sản xuất; ở khu vực Đầm Hà, Móng Cái thì phục hồi đắp đê, làm thủy lợi, làm tốt công tác gieo trồng.
Năm 1958, Hải Ninh, Hồng Quảng bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong điều kiện mới. Thực hiện Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải tạo nông nghiệp, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh phát động phong trào toàn dân sản xuất, tiến tới tự túc lương thực (không xin Trung ương viện trợ gạo) và bắt đầu xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Chính phủ tặng Hải Ninh 2 chiếc máy kéo nhằm tạo tiền đề cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Đến năm 1960-1961 là thời kỳ cao trào nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, cả Hải Ninh và Hồng Quảng đã có 70% số hộ nông dân vào HTX nông nghiệp (bậc thấp) trừ một số vùng cao ở Hoành Bồ, Cẩm Phả và một số vùng của Hải Ninh lúc này đang tiến hành cuộc vận động dân chủ kết hợp đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Ở Hải Ninh, HTX Hồng Kỳ (Móng Cái) và HTX Đồng Tiến (Bình Liêu) được bình chọn là lá cờ đầu của tỉnh. Ở Hồng Quảng có HTX Minh Hà (Yên Hưng) được chọn là lá cờ đầu của khu, các HTX Hội Hoàng (Đông Triều), Cẩm Bình (Cẩm Phả) và Việt Tiến (Hoành Bồ) là những HTX lá cầu đầu cấp huyện.
Từ phong trào thi đua sản xuất của các HTX, ngành Nông nghiệp của Hải Ninh, Hồng Quảng có nhiều tiến triển. Cuối năm 1961, giá trị tổng sản lượng lương thực khu Hồng Quảng đạt 130% so với năm 1959; sản xuất rau xanh gấp 2 lần năm 1960. Nghề đánh cá biển và phong trào hợp tác hóa nghề cá được đẩy mạnh. Đến năm 1961 đã có 76,19% số hộ ngư dân bao gồm trên 2 vạn nhân khẩu, trong đó 6.861 lao động ngư nghiệp vào HTX.
Quan hệ sản xuất thay đổi, việc tổ chức quản lý sản xuất đang đi dần vào nền nếp, bước đầu làm ăn theo lối công nghiệp, đi đôi với công cụ cải tiến đánh bắt cá và trang bị kỹ thuật mới đề ra khởi theo hướng Tỉnh ủy xác định “cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi để có thể đánh cá quanh năm, chuẩn bị điều kiện thành lập các đoàn tàu ra khơi đánh cá vào những năm tới”. Từ năm 1963 Quảng Ninh được thành lập, toàn tỉnh có 10 đoàn tàu cá từ 23 đến 180 sức ngựa (thuộc Xí nghiệp quốc doanh đánh cá). Cuối năm 1963, năng suất lao động trong nghề cá bình quân đạt 1,3 tấn/người. Châu Võ Mùa là người có nhiều thành tích đánh cá, xây dựng HTX ngư nghiệp đảo Cô Tô được Quốc hội tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nghề trồng rừng được chú ý. Ngoài việc vận động nhân dân làm rừng, lực lượng quốc doanh lâm nghiệp được tăng cường thêm. Đến năm 1963, toàn tỉnh đã trồng được 2.698ha rừng.
"Mỗi người làm việc bằng hai"
Gần 10 năm nhân dân miền Bắc được sống trong hòa bình, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ tạo ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, đưa máy bay, tàu chiến ra bắn phá miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và phá hủy tiềm lực kinh tế của ta. Dù dưới “mưa bom, bão đạn”, với khẩu hiệu “tay liềm, tay súng”, “tay cày, tay súng”, người dân Quảng Ninh lại tiếp tục vừa chiến đấu, vừa thi đua sản xuất tốt với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Tại Bình Liêu, năm 1965 lực lượng dân quân tự vệ đi đầu làm thủy lợi đạt 19.551 công, góp phần xứng đáng giành cờ luân lưu của ngành thủy lợi tỉnh. Trong 6 tháng, dân quân tự vệ các xã cấy lúa thu hoạch được 10.620kg, đủ cung cấp cho các ngày dân quân tập trung học tập, huấn luyện.
Còn ở xã biên giới Ninh Dương (Móng Cái), 90% dân số làm nông nghiệp. Mùa huấn luyện, dân quân kết hợp sản xuất theo lịch. Sáng sớm, chiều tà làm việc đồng áng. Lưng trưa, lưng chiều huấn luyện hoặc học chính trị. Toàn xã có một tuyến ven biển dài 10km, nhưng khi có báo động, chỉ 2 giờ sau mọi người đều có mặt đầy đủ. Năng suất lao động của dân quân thường đạt gấp đôi xã viên.
Ở Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), nhân dân các địa phương vừa tích cực sản xuất, vừa tham gia bắn máy bay địch. Tiêu biểu như đội nữ dân quân Minh Vương (xã Liên Hòa) cùng với nhân dân đã vào Yên Cư khoanh đầm, khai hoang phục hóa, biến 300 mẫu sú thành ruộng cày cấy được, gia tăng sản xuất.
Trong chuyến thăm nhân dân, cán bộ Quảng Ninh vào mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ (ngày 2/2/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều lời khen cho Quảng Ninh. Trong sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã có khoảng 750 HTX, trong đó có 53 HTX đạt tiêu chuẩn thi đua năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi. Bác khen Chủ nhiệm HTX Hùng Tiến đã trồng được 12.000 và chăm sóc được 11.000 cây lên tốt. Đến năm 1968, phong trào hợp tác hóa phát triển và ổn định, đã có 90% số hộ nông dân vào HTX.
Thời gian này, Quảng Ninh cũng bắt đầu áp dụng cơ khí vào sản xuất nông nghiệp. Tại Uông Bí, từ năm 1968, Đảng bộ thị xã đã mở một loạt chiến dịch làm thủy lợi, cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia đào đắp tuyến đê ngăn nước mặn dài 23km chạy dọc sông Bạch Đằng, từ Nam Khê đến Hang Son. Cùng với công tác thủy lợi, xã Nam Khê là địa phương được Uông Bí ưu tiên tập trung đầu tư thực hiện chủ trương cơ khí hóa nông nghiệp nông thôn, do đó, HTX nông nghiệp được trang bị xe công nông Bông Sen, máy bơm, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy tưới và máy chế biến thức ăn gia súc. Do có sự đầu tư tập trung của thị xã, diện tích đất nông nghiệp của xã Nam Khê được cơ giới hóa chiếm tỷ lệ tới 50% (cao hơn nhiều mức bình quân chung của thị xã là 30%).
Nghề rừng của tỉnh trải qua 10 năm dần dần phát triển mạnh và trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Từ những cơ sở là hạt, trạm lâm nghiệp nhỏ làm nhiệm vụ hành chính, sự nghiệp, tỉnh đã xây dựng thành các lâm trường, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng toàn diện. Các cơ sở lâm nghiệp hoạt động rộng khắp từ biên giới đến hải đảo với lực lượng lao động khoảng 10.000 người. Các xã Kim Sơn (Đông Triều), Bình Ngọc và Trà Cổ (Móng Cái) là những nơi trồng trọt và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân và cung cấp một phần gỗ cho Nhà nước.
Ở nhiều địa bàn vùng cao, vùng đồng bào DTTS, người dân đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển sản xuất. Trong số những cơ sở tiêu biểu của Quảng Ninh có Đồng Quặng, một xã vùng cao ở Hoành Bồ. Phần lớn dân số trong xã là người Thanh Phán sống rải rác giữa những dãy đồi núi trùng điệp. Xã có 7 thôn, nơi xa nhất phải đi bộ khoảng một ngày đường, chưa kể mùa mưa lũ có khi tắc đường, nghẽn lối hàng tuần. Nghe tiếng gọi của Đảng, xã Đồng Quặng thực hiện cuộc vận động định cư, định canh. Nhờ đó, đến năm 1973 xã Đồng Quặng không chỉ tự túc được gạo ăn, mà còn có thóc dư bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước.
Cũng trong năm 1973, Quảng Ninh đã tự túc được 41,2% nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và cung cấp được lượng thực phẩm rất lớn cho Nhà nước. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt trên 65.700 ha với tổng sản lượng lương thực đạt trên 85.600 tấn. Nhiều HTX đạt năng suất cao, điển hình là 3 HTX của Tiên Yên đạt 5 tấn thóc/ha. Nghề nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển mạnh với hơn 2.600ha, thu gần 500 tấn cá, tôm.
Tháng 4/1975, Đảng bộ tỉnh tổ chức cuộc vận động tiết kiệm và vay lương thực để giúp đỡ đồng bào vùng mới giải phóng ở miền Nam. Các HTX thi đua bán sản phẩm cho Nhà nước để cung cấp cho miền Nam. Trong 2 năm (1974-1975) tỉnh đã cung cấp cho Nhà nước 1 vạn tấn lương thực, 13.500 tấn rau xanh, 6 triệu quả trứng; riêng năm 1975, cung cấp 4.500 tấn thịt lợn…
Những đóng góp to lớn cả về sức người và sức của của Quảng Ninh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân, dân miền Nam, góp sức cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Nguyên Ngọc
Nguồn
Bình luận (0)