Còn với thơ, nhắc đến Nguyễn Việt Chiến, bạn yêu thơ nhớ ngay đến tác giả của bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc. Ai đã vinh dự một lần trong đời được ra công tác ở Trường Sa, chắc hẳn sẽ được nghe “Tổ quốc nhìn từ biển” do chính các chiến sĩ hải quân trên đảo hát giữa bời bời gió và ầm ầm sóng biển. Khi ấy sẽ thấy cảm xúc thật khác lạ, dâng lên tự hào.
Trên địa hạt văn học, Nguyễn Việt Chiến trước hết là nhà thơ, dẫu anh đã từng xuất bản 2 tập lý luận phê bình văn học và 1 tiểu thuyết. Anh đã in 8 tập thơ và đạt được 12 giải thưởng văn học khác nhau. Riêng tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã mang về cho Nguyễn Việt Chiến Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016 và Giải thưởng tôn vinh tác phẩm thơ hay nhất về biên giới hải đảo từ năm 1975 - 2020.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, khi đang ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận định, đọc “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến sẽ thấy rằng những vấn đề đại sự hôm nay đã được đặt lên trang viết một cách rất có trách nhiệm, vì hai chữ “Tổ quốc” mang ý nghĩa sâu sắc và đầy cảm xúc. Tổ quốc lúc đó gắn liền với tinh thần yêu nước, sự hy sinh, và lòng trung thành của mỗi công dân.
“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn năm/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi” - đây là khổ thơ cuối cùng trong bài thơ gồm 10 khổ với 325 chữ (từ ghép). Trong đó hai chữ “Tổ quốc” xuất hiện trong bài thơ đến 8 lần, như những điệp khúc hào sảng. “Dáng con tàu vẫn mãi hướng ra khơi” không chỉ là chống lại các hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo; mà còn là thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền của một quốc gia biển, thực hiện khát vọng biển, tiến ra biển làm giàu trong thế kỷ XXI như Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Viết về đề tài Tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến không chỉ có một bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”. Đối với Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc là tiếng mẹ, tiếng trẻ thơ, là mây trắng, là cây lúa, là câu hát, là ca dao, là ngọn gió, là sóng mặn: “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Trải bao mùa bão giông/ Thắp muôn ngọn lửa ấm/ Trên điệp trùng núi sông” (“Tổ quốc là tiếng mẹ”).
Tổ quốc không phải là khái niệm chung chung, định tính; mà Tổ quốc thường được hiểu là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh sống, nơi mà con người gắn bó, có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng: “Ta là con của Việt Nam/ Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa/ Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ/ Đem xương máu dựng cơ đồ hôm nay” (“Tổ quốc nơi biên thùy”). Việt Nam có chủ quyền biên giới quốc gia, lãnh thổ, không phận, biển và hải đảo. Không chỉ dưới góc độ địa lý, tự nhiên của đất nước, Tổ quốc là không gian sinh tồn, không gian văn hóa của người Việt. Vì đất nước ấy, bao thế hệ người Việt Nam đã đứng lên cầm súng “Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình”.
Thơ về Tổ quốc của Nguyễn Việt Chiến nồng nàn, hào sảng. Viết về người lính có danh và chưa xác định được danh tính đã ngã xuống nơi biên thùy, hải đảo, anh bao giờ cũng viết tự tâm can, hết “cương vực” của tâm hồn: “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương/ Các anh lấy thân mình làm cột mốc/ Chặn quân thù trên biển đảo quê hương” (“Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”).
Vừa hào sảng, vừa trữ tình, mảng thơ về đề tài Tổ quốc làm đa dạng thêm diện mạo, cá tính thơ, phẩm chất tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Đọc thơ về Tổ quốc của Nguyễn Việt Chiến, vừa tự hào vừa thức tỉnh trách nhiệm, bởi: “Tổ quốc của tất cả/ Những người Việt hôm nay/ Mang tình yêu đất nước/ Vượt muôn trùng đắng cay” (“Tự hỏi”). Nguyễn Việt Chiến đã nói thay mỗi người dân đất Việt, xác tín trách nhiệm công dân đối với đất nước.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/tho-nguyen-viet-chien-xac-tin-tinh-yeu-to-quoc-700558.html
Bình luận (0)