Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thông điệp gửi ngành du lịch

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), có ba mối đe dọa luôn tác động lên các di sản văn hóa và thiên nhiên: thứ nhất là thời gian và sự tác động của thiên nhiên, thứ hai là chiến tranh, thứ ba là tham vọng làm giàu của con người bằng mọi giá.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk31/03/2025

Vì thế UNESCO luôn đưa ra các giải pháp/công cụ hướng dẫn các quốc gia ứng phó và giải quyết các mối đe dọa này.

Mới đây, tổ chức này phát đi thông điệp “Đoàn kết vì di sản” trên toàn thế giới nhằm kêu gọi mọi tổ chức xã hội, cộng đồng chung sức hành động trước những mối đe dọa và thách thức trên. Trong đó hoạt động du lịch đang được nhận diện và đánh giá là một trong những đối tượng cần được quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên tại mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Ảnh minh họa: X.Hưng
Ảnh minh họa: X.Hưng

Hưởng ứng thông điệp ấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn - từ Trung ương đến địa phương nhằm nhận diện hoạt động du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Trong đó vấn đề phát huy vai trò của di sản văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững được các cấp, các ngành quan tâm hàng đầu, bởi ngày nay du lịch được xem là “lĩnh vực kinh tế của tương lai”, thật sự đang đóng vai trò mũi nhọn quan trọng trong mỗi nền kinh tế, đem lại nguồn thu nhập to lớn cho mọi địa phương và quốc gia.

Ưu tiên phát triển du lịch là xu thế của các quốc gia và Việt Nam cũng luôn xác định du lịch là chiếc cầu nối quan trọng giữa các nền văn minh, thúc đẩy giao lưu văn hóa, củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc và quốc gia. Tuy nhiên, tại những diễn đàn bàn thảo về phát triển du lịch bền vững ở mọi địa phương cũng như quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã lên tiếng cảnh báo, chỉ rõ những tác động trái chiều của du lịch lên đời sống văn hóa nói chung, đặc biệt là đối với các đối tượng cần được bảo tồn bền vững, đó là nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên hiện hữu.

Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đánh giá, bên cạnh những mặt lợi ích về kinh tế do du lịch đem lại thì tình trạng phát triển du lịch không có kế hoạch, không quan tâm đến yếu tố bền vững, chỉ chạy theo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận như một ngành kinh tế thuần túy đã khiến “ngành kinh tế không khói” này trở thành mối đe dọa đối với sự nghiệp bảo tồn toàn vẹn các giá trị văn hóa (bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể) và các di sản, cảnh quan thiên nhiên.

Nhiều ví dụ về tác động xấu của du lịch lên môi trường văn hóa và cảnh quan thiên nhiên được UNESCO chỉ ra: Ví như ở châu Á, nền văn hóa bản địa Bali (Indonesia) gần như biến mất bởi quá trình phát triển du lịch ở đây quá ồ ạt và bất chấp, thiếu sự kiểm soát, định hướng của chính quyền sở tại. Hay như Thái Lan, chính phủ đã “đau đầu” với bài toán trong việc lựa chọn giữa một bên là mục tiêu bảo tồn văn hóa, danh thắng và một bên là mục tiêu phát triển kinh tế đối với Cố đô Ayutthaya - một trong những di sản văn hóa nổi tiếng của nhân loại.

Ở Việt Nam, vịnh Hạ Long đã không chỉ một lần có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát theo tiêu chí và tiêu chuẩn của Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của Liên hiệp quốc bởi các hạng mục kinh tế và du lịch tại di sản này có lúc, có nơi phát triển quá “nóng” đã làm thay đổi cảnh quan và môi trường nghiêm trọng.

Do vậy, UNESCO đưa nội dung “Đoàn kết vì di sản” thành một trong những nhiệm vụ chính của Liên hiệp các hội UNESCO thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm lấy đó làm cơ sở tuyên truyền, kêu gọi trách nhiệm các tổ chức, đơn vị làm kinh tế du lịch tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở mọi cấp độ. Qua đó giáo dục cho đại chúng, nhất là thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo vệ các di sản, cảnh quan thiên nhiên vô giá của quốc gia mình, cũng như quốc gia bạn trong hành trình tham quan và du lịch.

Tổ chức UNESCO cũng đã nhiều lần gửi đến các hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về du lịch và văn hóa thông điệp mạnh mẽ rằng: Ngày nay, mỗi tổ chức làm du lịch, mỗi du khách cần phải trở thành một người giám hộ cho di sản thế giới, trở thành đại sứ của những cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Đây là lý do tại sao cần đặt sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên lên vị trí hàng đầu - và chỉ có như vậy mới xây dựng được một nền du lịch thật sự hài hòa, bền vững. 

Nguồn: https://baodaklak.vn/du-lich/202503/thong-diep-gui-nganh-du-lich-74f14ed/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm