Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thủ tướng: Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ

Việt NamViệt Nam06/04/2025

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Tham dự phiên họp tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình 3 mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ, trọng tâm thời gian tới; và một số nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng yêu cầu phải nắm chắc diễn biến tình hình, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng suốt, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết; chuẩn bị phục vụ các ngày lễ lớn. Khẩn trương thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy; bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trở lên gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổ chức nhiều hội nghị quan trọng với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, ngân hàng thương mại; trong đó có 8 hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài. Tổ chức 14 đoàn kiểm tra, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương…

Tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng các đề án phát triển kinh tế tư nhân, trung tâm tài chính quốc tế. Trong tháng 3/2025, đã ban hành 21 nghị định, 5 công điện, 6 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong quý I, Chính phủ đã ban hành 75 nghị định, 77 nghị quyết, tổ chức 3 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật; chuẩn bị các tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV…

Tổ chức Phiên họp thứ tư Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trước khi trình Hội nghị Trung ương 11.

Tập trung củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước việc Hoa Kỳ tuyên bố áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các báo cáo, ý kiến cũng đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung quý I tốt hơn cùng kỳ năm trước, với 10 nhóm kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020. GDP quý I năm 2025 tăng 6,93% (cùng kỳ 2020 -2024 tăng lần lượt là 3,21%, 4,85%, 5,42%, 3,46%, 5,98%). Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp 3,74%; công nghiệp, xây dựng 7,42%; dịch vụ 7,70%.

Đặc biệt, các địa phương đầu tầu tăng trưởng đạt kết quả tốt: TPHCM tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang tăng 13,82%, Hòa Bình 12,76%, Nam Định 11,86%, Đà Nẵng 11,36%, Lai Châu 11,32%, Hải Phòng 11,07%, Quảng Ninh 10,91%, Hải Dương 10,87%, Hà Nam 10,54%).

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh lương thực, năng lượng, cung cầu lao động được bảo đảm). CPI tháng 3 giảm 0,03% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,22%.

Xuất, nhập khẩu tháng 3 đạt trên 75 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 2 và 16,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 202 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, xuất siêu 3,16 tỷ USD.

Thu ngân sách Nhà nước quý I trên 721.000 tỷ đồng, đạt 36,7% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa cho điều hành.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 8,3% (quý I/2024 tăng 5,5%); thu hút FDI đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%; vốn FDI thực hiện đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% (cao nhất so với quý I trong 5 năm qua).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 10,8%; tính chung quý I tăng 9,9%. Khách quốc tế tháng 3 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 28,5%; quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6%.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc. Trong tháng 3 có 15.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54,2% so với tháng 2 và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tính chung quý I có 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 18,6%. Có 85% số doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo quý II ổn định và tốt hơn quý I. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 đạt 50,5 điểm (so với 49,2 điểm tháng 2), cho thấy sự cải thiện về điều kiện kinh doanh.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong quý I có 96,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ; hỗ trợ an sinh xã hội 20.500 tỷ đồng; hỗ trợ người dân gần 6.900 tấn gạo; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông được kéo giảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2025, Liên Hợp Quốc dự báo 6,6%, cao nhất Đông Nam Á…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mục tiêu tổng quát không thay đổi: Ổn định và phát triển

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, giao Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, các bộ, ngành khẩn trương rà soát, xử lý kiến nghị của các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân của những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, rủi ro gia tăng; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn…

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang dự và phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương dự và phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm quan trọng.

Thứ nhất, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Thứ hai, phải nắm chắc diễn biến tình hình, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng suốt, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; "làm việc nào ra việc đấy; làm việc nào dứt việc đó".

Thứ ba, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực với quan điểm: "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xuất khẩu là động lực quan trọng, nhưng không phải động lực duy nhất

Hội nghị thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Thứ hai, về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu.

Thủ tướng nêu rõ, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất. Do đó, chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ và tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác.

Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Hoa Kỳ; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với Đoàn công tác đàm phán.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng; chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…

Các cơ quan truyền thông (VTV, VOV, TTXVN), các cơ quan báo chí tăng cường đưa tin kịp thời, phù hợp, đầy đủ về nội dung này; thể hiện rõ định hướng Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; tạo đà, tạo khí thế, tạo sức mạnh nội sinh và sự yên tâm của các nhà đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành tại kỳ họp bất thường lần thứ 9; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội sửa đổi các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 sắp tới (đến nay có hơn 40 dự án luật, nghị quyết, trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp; đầu tư; đối tác công tư; đấu thầu; ngân sách Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; năng lượng nguyên tử…)

Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công an chủ trì tăng cường triển khai Đề án 06; đẩy nhanh việc xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu; đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia sâu rộng, toàn diện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ; phát huy vai trò của các đoàn công tác, tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thu hút, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.

Về xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Về tiêu dùng, Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng gói chính sách kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.

Bộ Công Thương chủ trì đề xuất các giải pháp cụ thể kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp.

Về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế; xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư quốc gia.

Đà Nẵng khẩn trương trình đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; Quảng Ninh khẩn trương xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó lưu ý bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 16%), tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, xuất khẩu nông sản, gói tín dụng hỗ trợ triển khai các công trình trọng điểm quốc gia; tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025; đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi; tăng cường quản lý thu, nhất là từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển. Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.

Thứ sáu, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với ngân hàng SCB. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí; lưu ý triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị định số 76/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án tồn đọng kéo dài còn lại.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 này.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Giải phóng miền Nam; Ngày Quốc tế lao động; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngày Truyền thống Công an nhân dân; Ngày Quốc khánh…

Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị khánh thành, khởi công 50 công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền.

Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025".

Bộ Xây dựng chủ trì đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; trình Quốc hội chính sách về nhà ở xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoàn thiện báo cáo khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt chú ý việc xử lý tài sản sau khi sáp nhập các địa phương; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông chính sách.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm