phục vụ hiệu quả mọi tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh.
Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức để hoàn thiện bản thân, suy nghĩ đúng đắn hơn và đủ kiến thức để trải nghiệm cuộc sống. Đặc biệt, đọc sách không chỉ mang lại những lợi ích về mặt trí tuệ, khơi gợi và kích thích sáng tạo mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển và rèn luyện nhân cách con người. Em Nguyễn Thu Thảo, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) chia sẻ: "Với em, sách là một người bạn, có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Cùng với việc học các kiến thức trên lớp, em thích đọc sách nhiều hơn mỗi ngày để khám phá, nhìn nhận thêm về vẻ đẹp của thế giới xung quanh qua những trang sách". Đây cũng là lý do mà chị Lê Thanh Huyền, phường Hồng Gai (TP Hạ Long) xây dựng thói quen đọc sách cho các con ngay từ khi còn nhỏ. “Tôi rất tâm đắc với câu nói: Mở sách mở cả thế giới. Vì vậy, từ khi các con còn nhỏ, tôi đã mua những cuốn sách để đọc cho con. Đến khi con đi học, tôi tặng con những cuốn sách về những câu chuyện liên quan đến tìm hiểu tự nhiên, xã hội và về tình yêu thương của gia đình để con học hỏi…".
Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Đặc biệt, tại Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ''Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", có 18 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Khuyến khích phát triển văn hoá đọc gắn với các thiết chế thư viện. Có thể thấy, những nội dung chỉ đạo này chính là sự quan tâm sâu sắc cũng như đánh giá cụ thể ý nghĩa, vai trò quan trọng của văn hóa đọc đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ những mục tiêu đặt ra, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các giải pháp, đầu tư nguồn lực khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến nay, 100% các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, trên 80% nhà văn hóa xã có tủ sách. Mặt khác, với quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ Thư viện - Bảo tàng với quy mô hàng đầu cả nước. Tỉnh không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của thư viện, nhất là công tác xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và tra cứu thông tin của bạn đọc. Hiện nay, Thư viện tỉnh sở hữu khoảng 300.000 đầu sách, báo, tạp chí và hơn 2 triệu tài liệu số, trong đó có 200.000 trang địa chí Quảng Ninh đã được số hóa. Ngoài ra, thư viện còn cung cấp các dịch vụ số như đăng ký thẻ online, mượn và tra cứu tài liệu trực tuyến; kết nối với các trường học và hợp tác với website tailieu.vn để lan tỏa văn hóa đọc… Có thể thấy, đây là những nguồn tư liệu, hạ tầng phục vụ rất hiệu quả nhu cầu đọc, tìm hiểu đang ngày một lớn của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh phục vụ trên 200.000 lượt bạn đọc và khách tham quan, hơn 1 triệu lượt sách, báo luân chuyển trên cả hai hệ thống điện tử và truyền thống; thực hiện luân chuyển, trao tặng cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học từ 20.000 bản sách trở lên.
Không chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống, nhiều mô hình mới, thiết thực đã ra đời để đáp ứng nhu cầu đọc sách ngày càng đa dạng của độc giả. Tiêu biểu là các quán cà phê sách và cà phê thư viện, kết hợp giữa việc đọc sách, mua bán, trao đổi và quyên góp sách cho các thư viện tỉnh hoặc các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, để khuyến khích việc đọc sách các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh; Hội sách Quảng Ninh; Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời... Đặc biệt, việc triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc hằng năm được coi như là một trong những sự kiện văn hóa, giáo dục thiết thực nhằm lan tỏa, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Từ năm 2019 đến nay, tại Quảng Ninh, cuộc thi đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thí sinh tham gia và trở thành địa chỉ quen thuộc, sân chơi bổ ích cho học sinh. Bên cạnh đó, tại vòng chung kết toàn quốc các năm, vượt qua hàng triệu thí sinh trong cả nước, các thí sinh tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy văn hóa đọc. Trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành và triển khai chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, coi phát triển văn hóa đọc là trách nhiệm của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Phát động, khuyến khích phong trào “Toàn dân đọc sách” gắn với phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; phong trào “Học tập số”, “Bình dân học vụ số” từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hành động cụ thể, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Đồng thời, quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống thư viện và không gian đọc; đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, dần thúc đẩy sâu phong trào toàn dân đọc sách gắn với học tập suốt đời thông qua phát động Tuần lễ đọc sách, Ngày hội đọc sách, giới thiệu sách, giao lưu tác giả - tác phẩm, thi kể chuyện theo sách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần phát triển văn hóa đọc…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/thuc-day-van-hoa-doc-trong-ky-nguyen-moi-3354293.html
Bình luận (0)