Những người phụ nữ tiên phong…
Vào một sáng Chủ nhật đầu tháng 4, tại thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh (Ba Chẽ), tiếng chổi tre lách cách vang lên từ sớm. Trên những con đường nhỏ của thôn, chị Dương Thị Trường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn đang cùng chị em hội viên thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại rác hữu cơ làm phân bón vi sinh. Đây là hoạt động trong “Ngày Chủ nhật xanh” - mô hình đã lan tỏa khắp thôn kể từ khi chị Trường khởi xướng.
Sinh ra và lớn lên tại huyện vùng cao Ba Chẽ, cũng như bao phụ nữ Sán Chay khác, chị Dương Thị Trường (SN 1990) luôn cần mẫn với công việc nương rẫy và chăm lo nhà cửa. Khi được vận động và tiếp cận với các phong trào: Xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", "Ngày Chủ nhật xanh"; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế... chị Trường đã nhận thấy được tác dụng đối với chính bản thân, gia đình và những người xung quanh. Từ đó, chị đã vận động nhiều chị em khác trong thôn cùng tham gia, dần dần được chị em tín nhiệm, hưởng ứng.
Với sự nhiệt huyết, tận tâm và có nhiều sáng tạo, chị Dương Thị Trường đã được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Xa. Cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc gia đình, gây dựng mô hình kinh tế, người biết nhiều chỉ cho người biết ít... là cách mà Chi hội trưởng Dương Thị Trường điều hành chi hội gồm 60 hội viên.
Là cán bộ phụ nữ ở một thôn vùng cao còn nhiều khó khăn và lạc hậu, nhưng chị Trường đã chăm chỉ học hỏi rồi truyền đạt lại cho chị em trong chi hội về xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, phòng chống bạo lực gia đình; phong trào tiết kiệm trong phụ nữ...
Ngoài ra, chị Trường cũng tích cực tuyên truyền thực hiện mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình”, hiện đã có 24 hộ gia đình tham gia. Đây là việc làm không hề dễ do thói quen để rác bừa bãi và chuồng trại không hợp vệ sinh đã ăn sâu vào nếp sống ở vùng đồng bào DTTS, nhưng khi được tuyên truyền, vận động và cầm tay chỉ việc, suy nghĩ của người dân đã dần thay đổi. Đến nay tại thôn Khe Xa, nhà cửa của người dân đã gọn gàng, ngăn nắp hơn rất nhiều, "Ngày Chủ nhật xanh” cũng được lan tỏa khắp thôn.
Phụ nữ DTTS hôm nay không còn “đi sau”, họ đang đi cùng và thậm chí đi trước trong nhiều phong trào. Những người mẹ, người chị thôn bản đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình xây dựng nông thôn mới, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh vùng biên và từng bước vượt lên thoát nghèo bền vững.
Thực tế từ cơ sở cho thấy, nhiều tấm gương điển hình là cán bộ nữ người DTTS đã phấn đấu học tập, rèn luyện, nêu gương trong công việc, đời sống, truyền cảm hứng để đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa thi đua vượt khó, xây dựng đời sống mới.
Tại thôn Đài Van, xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn), chị Tằng Nhì Múi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, đã trở thành tấm gương tiêu biểu. Từng chứng kiến cảnh thôn nghèo khó, chị Múi quyết tâm vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị đi từng nhà, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện đời sống.
Nhờ sự quyết tâm của chị, người dân Đài Van đã thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất nông nghiệp. Không chỉ vậy, chị còn tích cực vận động phụ nữ tham gia các lớp học nghề, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, nhiều chị em trong thôn đã có việc làm, biết áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tham gia các hoạt động kinh tế tập thể.
Chị Tằng Nhì Múi chia sẻ: “Không tự mình thay đổi thì cuộc sống cứ mãi thế, nay được sự hỗ trợ giúp sức từ chính quyền địa phương rồi cả tổ chức Hội Phụ nữ thì càng phải thay đổi chứ. Làm được kinh tế chị em sẽ vui, sẽ phấn khởi lắm”.
Dưới ánh sáng của các chủ trương lớn như Nghị quyết 06-NQ/TU cùng với sự hỗ trợ sát sao của Hội LHPN các cấp, sự trưởng thành và đổi thay của phụ nữ vùng DTTS không chỉ là kết quả của sự tiếp cận chính sách, mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và cống hiến vì cộng đồng.
Trở thành cử nhân chuyên ngành Công tác xã hội ở tuổi 22, Lý Thị Trang, cô gái dân tộc Dao quyết định về quê hương Ba Chẽ lập nghiệp. Với niềm đam mê nghiên cứu dược liệu, Lý Thị Trang đã tham gia và là thành viên của HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ. Bằng sự hiểu biết thấu đáo về giá trị của cây trà hoa vàng, năm 2024, Lý Thị Trang đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) tổ chức.
Trong dự án của mình, Lý Thị Trang nêu rõ trà hoa vàng là loại thảo dược có khả năng kiểm soát sự sinh trưởng của các khối u lên đến 33,8%. Quá trình lên men tự nhiên của Kombucha kết hợp với trà hoa vàng giúp gia tăng hàm lượng dinh dưỡng và làm phong phú sản phẩm trà Kombucha trên thị trường, tăng cơ hội lựa chọn và sử dụng sản phẩm tự nhiên, an toàn cho người tiêu dùng.
Với tính thực tế và ưu việt của sản phẩm trà Kombucha sản xuất từ cây trà hoa vàng và tính khả thi về thị trường của sản phẩm, dự án “Sản xuất trà Kombucha từ cây trà hoa vàng Ba Chẽ, phát huy giá trị dược liệu quý của địa phương” đã vinh dự là một trong 18 sản phẩm đoạt giải của Cuộc thi startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cùng với niềm đam mê về sản phẩm trà hoa vàng, Lý Thị Trang luôn nỗ lực để sản phẩm trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng tiếp cận tới được đông đảo khách hàng. Cô gái trẻ người Dao Lý Thị Trang đang từng ngày khẳng định vai trò của phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị kinh tế, bản sắc của vùng cao Ba Chẽ đến với cộng đồng.
Nghị quyết 06-NQ/TU - tạo bước chuyển mình mạnh mẽ
Riêng đối với phụ nữ vùng DTTS, các nhóm chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU không chỉ giúp phụ nữ nâng cao năng lực sản xuất, mà còn thúc đẩy sự thay đổi nhận thức về vai trò của họ trong gia đình và xã hội.
Có thể thấy, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, đời sống của phụ nữ DTTS trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đến hết năm 2024 thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 83,79 triệu đồng/người/năm (tăng 40,09 triệu đồng/người so với năm 2020).
Nhờ nhiều chính sách hỗ trợ mà hàng nghìn phụ nữ DTTS không chỉ có nơi an cư ổn định mà còn từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Nhiều mô hình sinh kế dành cho phụ nữ như trồng cây ăn quả, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng... đã được triển khai hiệu quả, giúp chị em nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Không chỉ cải thiện về kinh tế, phụ nữ DTTS còn được tạo điều kiện học nghề, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, từng bước khẳng định vai trò trong gia đình và cộng đồng. Hành trình đổi thay của phụ nữ DTTS vẫn đang tiếp diễn. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chính sách riêng có của tỉnh Quảng Ninh cùng tinh thần tự lực, nhiều phụ nữ DTTS đã và đang viết tiếp câu chuyện thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc đời.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hanh-trinh-vuon-xa-cua-phu-nu-dan-toc-thieu-so-3354172.html
Bình luận (0)