Đó là nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025” do Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương cho biết: Liên tục trong ba năm qua (2022-2024), BIDV đã đồng phối hợp với ADB tổ chức hội thảo thường niên về "Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng", thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan quản lý, chuyên gia, định chế tài chính trong và ngoài nước, hiệp hội, viện nghiên cứu, giới truyền thông.
![]() |
Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Năm nay, tiếp nối thành công của 3 kỳ báo cáo trước, BIDV (với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của ADB) tiếp tục thực hiện Báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025. “Cho đến nay, đây là Báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm.
"Chuỗi Báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, Báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững”, ông Trần Phương nhấn mạnh.
Thị trường tài chính năm 2024 và triển vọng năm 2025
Nhận định về thị trường tài chính thế giới năm 2024, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng nêu rõ: Năm 2024, kinh tế thế giới duy trì phục hồi khá, song không đồng đều, có sự phân hóa giữa các nước, giữa lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt, tạo tiền đề thuận lợi để các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, chuyển hướng chính sách tiền tệ từ kiểm soát lạm phát sang nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ hạ lãi suất vẫn còn thận trọng, mặt bằng lãi suất vẫn cao, nhất là trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại-công nghệ gia tăng, khiến giá cả, lạm phát bị neo cao.
![]() |
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu. |
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho biết, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 về cơ bản khá ổn định và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tín dụng tăng 15,08%, huy động vốn tăng 10,5%. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2023 (3,8%). Thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 466,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023.
Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán khả quan khi lợi nhuận sau thuế tăng 32%, chủ yếu là nhờ nguồn thu môi giới và tự doanh, cho vay ký quỹ. Khối doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn hơn khi niềm tin chưa phục hồi sau một số vụ việc trong mảng đầu tư liên kết và bồi thường bão Yagi, doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,25%,…
Tuy nhiên, thị trường tài chính năm 2024 còn nhiều thách thức khi nợ xấu tăng và áp lực vẫn hiện hữu, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, áp lực tăng vốn cao. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán thiếu bền vững, nhu cầu tăng vốn lớn trong khi kết quả kinh doanh của các doanh bảo hiểm ghi nhận kết quả trái chiều do ảnh hưởng của bão Yagi và niềm tin cần thời gian để phục hồi…
Bối cảnh quốc tế năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn sau khi ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế. Theo đó, mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ.
Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%.
Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%.
Với bối cảnh quốc tế và trong nước như nêu trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định: Thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức.
Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15%. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá USD/VND dự báo còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3-4% trong cả năm.
Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng tích cực (15-20%), thấp hơn nhiều so với năm 2024. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ tích cực hơn khi các tác động tiêu cực của siêu bão Yagi dần được giải quyết và niềm tin phục hồi.
Về khía cạnh thể chế, khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính được dự báo sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực để đáp ứng được những yêu cầu mới. Chính sách quản lý tài sản số, tiền kỹ thuật số dự kiến sẽ sớm được ban hành. Luật các tổ chức tín dụng 2024 được sửa đổi theo hướng lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã hết hiệu lực.
Thị trường chứng khoán dự báo có thể được nâng hạng trong năm 2025, tạo tâm lý hứng khởi và tăng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng là cơ hội thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh cải cách. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi và chuyển đổi xanh, thực hành ESG tại các tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng thực chất và bài bản hơn.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù vậy, Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ: thị trường tài chính năm 2025 vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm kiểm soát như: những biến động bất ngờ, khó đoán định trên thị trường quốc tế (đặc biệt là vấn đề thuế quan của Mỹ), tác động mạnh đến nền kinh tế mở và thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, trong đó có cả dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp (FII); áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn và rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp bất động sản (chiếm gần 56% tổng số); nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng, đòi hỏi sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội để xử lý căn cơ hơn; rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.
![]() |
Tiến sĩ Cấn Văn Lực tham luận tại Hội thảo. |
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2021, thị trường phát triển rất nhanh, khối lượng phát hành tăng trưởng hơn 50% mỗi năm, tổng khối lượng phát hành 1,04 triệu tỷ đồng, đưa tổng dư nợ trái phiếu lên mức khoảng 14,75% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cùng với hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến nhiều vấn đề, như các vụ sai phạm trên thị trường, khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, tỷ lệ trái phiếu gặp rủi ro gia tăng, niềm tin nhà đầu tư suy giảm…
Do đó, từ giữa năm 2022 đến nay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã áp dụng khuôn khổ mới để điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, lượng phát hành và thanh khoản phục hồi khá trong năm 2023-2024. Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều vấn đề.
Trong ngắn hạn là áp lực từ lượng trái phiếu đáo hạn lớn, còn trong dài hạn là những vấn đề mang tính cấu trúc, như cơ cấu hay hình thức phát hành; cơ sở, cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư còn bất cập; hay sự phụ thuộc quá nhiều vào phát hành riêng lẻ, tiềm ẩn rủi ro và chưa tiệm cận thông lệ quốc tế; quy định xếp hạng tín nhiệm còn thiếu phân nhóm, trong khi yêu cầu đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp lại chặt chẽ, chưa phân nhóm cụ thể, có thể hạn chế cơ sở nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, như triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hạ tầng thị trường và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện... Việc giải quyết căn cơ các rào cản, thách thức nêu trên cũng sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình phát triển của thị trường này.
Tại hội thảo, các diễn giả và chuyên gia cũng đã đưa ra một số kiến nghị chính sách, giải pháp ổn định và phát triển thị trường tài chính, và giải pháp phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam.
Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung-dài hạn lên hệ thống ngân hàng; thúc đẩy sự phát triển và sớm nâng hạng thị trường chứng khoán; gia tăng khả năng cung ứng và hấp thụ vốn của nền kinh tế…
Nguồn: https://nhandan.vn/thuc-day-xu-huong-dich-chuyen-kenh-cung-ung-von-post874344.html
Bình luận (0)