Dự án 8 là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại Quảng Ninh, nơi có 42 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tại các địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà…, việc triển khai hiệu quả Dự án 8 có ý nghĩa vô cùng thiết thực, không chỉ trong việc cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các cấp Hội LHPN đã có nhiều sáng kiến truyền thông, mô hình điểm phù hợp với đặc thù từng địa phương. Tại huyện Đầm Hà, mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” triển khai ở các xã Quảng An, Quảng Tân đã tạo môi trường để các ông bố, bà mẹ có con từ 0-5 tuổi giao lưu, học hỏi về kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con một cách khoa học, bình đẳng. Đây không chỉ là nơi phụ nữ học cách nuôi con khỏe mạnh mà còn giúp nam giới nhận thức rõ vai trò đồng hành trong gia đình, xóa bỏ định kiến giới ăn sâu trong đời sống.
Đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở chính là lực lượng nòng cốt tiên phong thực hiện tuyên truyền. Dù mưa nắng, họ vẫn không ngại đường sá xa xôi, băng rừng, lội suối đến từng hộ dân, trò chuyện, vận động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Với sự am hiểu phong tục, tập quán địa phương và kinh nghiệm vận động quần chúng, mỗi cán bộ hội như một “cầu nối mềm” giữa chính sách và đời sống.
Tuy là Dự án mới nhưng qua 3 năm triển khai thực hiện, với sự chủ động của Hội LHPN trong tham mưu, đề xuất cùng với sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, điều kiện để triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo các chỉ tiêu, nội dung dự án, với sự bám sát yêu cầu định hướng nội dung của Chương trình, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở truyền thông thay đổi nhận thức, Dự án 8 còn hướng mạnh tới nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các cấp Hội đã đẩy mạnh triển khai hoạt động tín dụng chính sách, hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 142 tỷ đồng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 1.800 hội viên phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cũng từ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ngày nay, phụ nữ dân tộc thiểu số còn là những người giữ lửa cho văn hóa truyền thống. Câu lạc bộ thêu may trang phục dân tộc Dao tại các thôn bản vùng cao là một minh chứng sống động. Đây cũng là cách để cộng đồng tự bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể giữa guồng quay hiện đại hóa.
Dự án 8 đang từng bước phát huy hiệu quả rõ nét. Phụ nữ dân tộc thiểu số không còn là nhóm yếu thế “im lặng” như trước mà ngày càng tự tin, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, tư duy “trông chờ, ỷ lại” cũng dần được thay thế bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Dự án 8 chính là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người dân trong thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và trên hành trình ấy, vai trò “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của cán bộ Hội Phụ nữ chính là điểm tựa vững chắc để mọi chính sách an sinh, bình đẳng giới thực sự lan tỏa đến từng gia đình, từng người dân.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/du-an-8-di-tung-ngo-go-tung-nha-3354692.html
Bình luận (0)