Bộ Y tế khuyến cáo thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh - Ảnh: CỤC ATTP
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?
Sau vụ việc sữa giả lưu thông trên thị trường, nhiều người tiêu dùng băn khoăn vậy những loại thực phẩm nào do Bộ Y tế tiếp nhận quản lý, làm sao để biết sản phẩm đã được cơ quan chức năng tiếp nhận lưu hành.
Theo quy định của nghị định 15, một số sản phẩm phải đăng ký công bố sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Trong đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ. UNND các tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Theo quy định, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
+ Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
+ Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
+ Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề trên.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.
Theo đó, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm thực tiếp nhận.
Hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể nộp hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Thời hạn giải quyết hồ sơ đối với thực phẩm bảo vệ sức là 21 ngày.
Như vậy, khi nộp hồ sơ công bố sản phẩm sẽ được giải quyết thủ tục tối đa trong vòng 21 ngày. Và sau khi Cục An toàn thực phẩm cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.
Cách tra cứu thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Theo Cục An toàn thực phẩm tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/?page=Project.MedicalPrice.Home.MedicalPrice.Announcement.list#module9. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
Cục cũng hướng dẫn, người tiêu dùng kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:
- Tên sản phẩm;
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng;
- Thành phần, thành phần định lượng;
- Định lượng;
- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng; - Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe";
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).
- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.
Khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" là những nội dung quảng cáo vi phạm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-phai-duoc-cuc-an-toan-thuc-pham-cap-giay-tiep-nhan-dang-ky-moi-duoc-ban-20250420111325728.htm
Bình luận (0)