Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi
Người bán là thành viên của nhóm chuyên kinh doanh thuốc xách tay qua mạng, với hơn một triệu người tham gia. Chỉ vài giây đăng tìm thông tin, chị nhận được hàng chục tin nhắn bán thuốc. Hầu hết đều cam kết có nhiều kinh nghiệm, hàng chính hãng, còn "sản phẩm an toàn và có nhiều phản hồi tích cực".
Ba tuần sau khi sử dụng, chị phải nhập viện cấp cứu vì suy gan nghiêm trọng. Xét nghiệm cho thấy loại thuốc này chứa chất cấm nguy hiểm đã bị cấm lưu hành từ năm 2018.
Tương tự, người đàn ông 37 tuổi, phát hiện ung thư gan từ đầu năm 2025, được bác sĩ khuyến nghị điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ do tiên lượng không khả quan. Tuy nhiên, gia đình từ chối, quyết định đưa người bệnh về nhà điều trị theo liệu pháp được quảng cáo trên mạng xã hội. Người bán quảng cáo loại "thuốc có khả năng tiêu khối u, kéo dài sự sống" với chi phí vài chục triệu đồng. Trở lại Bệnh viện Đại học Y kiểm tra, bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh chuyển biến nặng, cơ hội sống gần như khép lại.
Trường hợp như hai bệnh nhân trên không phải là hiếm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc tại các quốc gia đang phát triển là giả hoặc kém chất lượng. Hãng Pfizer nhấn mạnh không quốc gia hay sản phẩm nào miễn nhiễm với mối đe dọa từ thuốc giả. Tổ chức Hải quan thế giới ước tính giá trị của thuốc giả lên đến 200 tỷ USD mỗi năm. Thuốc giả là "vũ khí giết người thầm lặng" tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2023 - 2024, các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội phát hiện nhiều lô thuốc hàng giả, đội lốt thương hiệu lớn, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Gần nhất, một đường dây sản xuất thuốc giả thương hiệu lớn trên thế giới bị bắt giữ tại Thanh Hóa. Người bán mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu... từ các nguồn trôi nổi trên mạng hoặc các khu chợ truyền thống rồi "tự nghĩ ra công thức pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh". Nhóm này còn tự "sáng tác" ra tên thuốc, bịa ra công dụng chữa bệnh rồi in thông tin, nơi sản xuất theo địa chỉ một số trụ sở đại sứ quán nước ngoài để đánh lừa người dân đó là hàng xách tay, hoặc hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để lấy lòng tin của người mua.
Tìm mua thuốc xách tay qua mạng rất đơn giản. Chỉ vài giây tìm kiếm cụm từ ngắn gọn như "mua thuốc xách tay", có đến hàng trăm nghìn kết quả hiển thị, trong đó nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Số lượng nhóm và người bán thuốc xách tay trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Youtube... không thể đếm hết.
Thuốc xách tay trên mạng có nhiều loại, "giá nào cũng bán, bệnh nào cũng chữa", từ ung thư, tim mạch, đột quỵ, thuốc tăng cân, giảm cân, đẹp da, giảm đau xương khớp, chữa yếu sinh lý.
Điểm chung của thuốc này là rẻ, mua bán dễ dàng, khó xác minh được nguồn gốc hoặc chỉ phát hiện hàng giả khi đã mất tiền. Khách hàng chỉ cần chọn số lượng, điền đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại, phương thức thanh toán bên dưới, sẽ có ngay thuốc trong vòng vài ngày. Để tăng uy tín, người bán thường thuê người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm hoặc thuê người trải nghiệm, thổi phồng công dụng.
Tìm kiếm thuốc khá đơn giản song rất khó để xác định thuốc thật - giả bằng mắt thường
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, cho biết mua thuốc xách tay ngày càng đơn giản, "dễ như mua bó rau ngoài chợ". Đặc biệt, chiêu "thay áo" cho thuốc, trộn lẫn thuốc giả với thuốc thật, đổi nhãn mác, làm giả thương hiệu lớn ngày càng tinh vi, nhằm thao túng người tiêu dùng, rất khó phân biệt bằng mắt thường.
"Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế", bác sĩ nói.
Thuốc giả làm ảnh hưởng đến điều trị, đánh mất cơ hội sống vì bỏ lỡ thời điểm vàng, đặc biệt là bệnh lý nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư. Nhiều thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, tim mạch hoặc phản ứng phản vệ, có thể gây tử vong. Các loại thuốc sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, thuốc giả dạng tiêm hoặc vaccine có thể gây nhiễm trùng toàn thân...
Đặc biệt, nhóm thuốc điều trị xương khớp, vốn được tiêu thụ rất phổ biến trong cộng đồng người cao tuổi tại Việt Nam, khi làm giả thường hay trộn corticoid liều cao để nhanh giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây biến chứng ở người lớn tuổi như suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ cho rằng một phần do sự thiếu hiểu biết và chủ quan của người tiêu dùng. Nhiều người mang tâm lý sinh ngoại, tin hàng xách tay là hàng chuẩn, chính hãng nên càng dễ "sa bẫy". Thực tế, các sản phẩm này thường được tiếp thị như "phép màu" nhưng không trải qua nghiên cứu hoặc chứng minh lâm sàng, khó phân biệt được thật giả.
Nguyên nhân khác là quy trình quản lý, kiểm soát còn nhiều khe hở. Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc qua mạng hoạt động bất chấp, không giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong khi thuốc kê đơn là loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ. Chưa kể, một số thuốc được người nổi tiếng, TikToker hoặc KOLs giới thiệu, tạo lòng tin tuyệt đối. Nhóm này thường lợi dụng việc mua thuốc ở nước ngoài theo dạng cá nhân rồi bán lại, không thông qua đăng ký, kiểm định hay kiểm tra chất lượng.
Một chuyên gia trong ngành dược không muốn nêu tên cho hay, có tình trạng dược sĩ cho thuê bằng cấp để người khác mở nhà thuốc mà không biết cửa hàng đó ở đâu. Một số người có bằng trung cấp dược lại tự ý hỏi bệnh, kê đơn và bán thuốc mà không cần ý kiến bác sĩ. Mặt khác, số lượng nhà thuốc, quầy thuốc bán lẻ ở các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội quá lớn, khiến việc kiểm tra của cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian. Điều này tạo cơ hội cho các đối tượng sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng tuồn vào các cơ sở bán lẻ.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế), tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%. Đa số thuốc trong vụ làm giả ở Thanh Hóa vừa qua không vào trong các bệnh viện do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu; các thuốc này chủ yếu bán trên mạng và trên các kênh bán lẻ.
Thay vì đến hiệu thuốc, nhiều người chọn mua hàng qua mạng, ưu tiên hàng xách tay vì tin "hàng ngoại tốt hơn"
Để tránh bị lừa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, không tin vào quảng cáo "thần thánh hóa" sản phẩm. Trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Người dân cần tự nâng cao cảnh giác, nhận thức để tránh sa bẫy mua thuốc không nguồn gốc. Nên tham khảo các trang web như congkhaiyte.moh.gov.vn hoặc nghidinh15.vfa.gov.vn là những địa chỉ chính thống để tra cứu thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trường hợp có bệnh lý, hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Giới chức cũng đề xuất kinh doanh thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website bán hàng chính thức, với thông tin sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ. Người bán cần cam kết tuân thủ quy định về quảng cáo cũng như bảo mật thông tin khách hàng. Đây là nội dung của dự thảo luật sửa đổi, được trình Quốc hội ngày 17/6/2024.
Dự thảo cũng đề xuất thuốc, nguyên liệu dược không được phép kinh doanh trên các mạng xã hội như Facebook hoặc TikTok. Biện pháp này nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng thông tin không chính xác và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
T.H (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thuoc-gia-doi-lot-xach-tay-canh-bac-voi-tu-than-409869.html
Bình luận (0)