- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu. Cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn cũng luôn hướng về Đất tổ, về cội nguồn và phát huy mạnh mẽ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những cách thể hiện khác nhau.
Nhà nước Văn Lang đứng đầu là Hùng Vương ra đời và tồn tại trong khoảng thế kỷ VII – VI trước công nguyên. Mặc dù là một nhà nước sơ khai nhưng Văn Lang đã đánh dấu bước phát triển to lớn có ý nghĩa thời đại trong lịch sử Việt Nam – mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bên cạnh đó, nhà nước Văn Lang đã để lại cho thế hệ con cháu hiện nay một tín ngưỡng tốt đẹp, phản ánh ý thức nguồn cội của con dân nước Việt đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Di sản văn hoá của nhân loại
Theo các tài liệu khảo cổ học, tài liệu thành văn của Việt Nam ghi chép lại, vào thời kỳ Đông Sơn, do những yêu cầu về thủy lợi và tự vệ chống ngoại xâm, 15 bộ lạc sống rải rác ở vùng Bắc Bộ và Trung Bộ đã liên minh, hình thành lãnh thổ chung và thành lập tổ chức chung để quản lý, điều hành xã hội, trong đó có Bộ lạc Lạc Việt (tiền thân của nhà nước Văn Lang). Nhà nước Văn Lang do vua Hùng Vương đứng đầu theo nguyên tắc cha truyền con nối được 18 đời. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, có gốc rễ từ lòng biết ơn, sự trân trọng quá khứ, nguồn cội. Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, cộng đồng cư dân ở vùng trung tâm tụ cư và phát triển của người Việt cổ - nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô và sông Đà, trung tâm là khu vực đền Hùng ngày nay đã chọn núi Nghĩa Lĩnh - đền Hùng làm nơi thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ thần tự nhiên (thờ Trời, Đất). Tháng 12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong văn hóa của người Việt, xu hướng “lịch sử hóa” các nhân vật huyền thoại và truyền thuyết đã giúp cho Hùng Vương từng bước trở thành thành hoàng làng được thờ cúng ở các đình, đền tại nhiều làng xã trong cả nước và trở thành tổ tiên của cả dân tộc được thờ tự với tư cách là vị Vua Tổ của người Việt. Trải qua thời gian, việc thờ cúng Hùng Vương được cộng đồng người Việt duy trì thờ tự và vun đắp. Đến nay, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với các thể chế chính trị thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương từ quy mô làng xã của một tỉnh thành ngày Quốc lễ với nghi thức quốc gia bởi tín ngưỡng này phù hợp với lòng dân, tồn tại trong tâm thức mỗi người Việt Nam nói chung và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho rằng: Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước. Giỗ tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý nhớ ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về với cội nguồn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong thực hành thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, đã ăn sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
Hướng về nguồn cội
Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, trong đó có Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, từ bao đời nay, Hùng Vương là vị vua Thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của chung. Hằng năm, đến dịp Quốc giỗ, trong hàng triệu đồng bào trên khắp mọi miền đất nước, người dân Lạng Sơn lại trở về Đền Hùng (Phú Thọ), ôn lại những câu chuyện về Vua Hùng dựng nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Chị Nguyễn Giang Linh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, tôi và cả gia đình lại sắp xếp thời gian trở về Đền Hùng thắp hương, bày tỏ sự biết ơn đối với các vị Vua Hùng. Khi đến đây tôi đều giải thích và kể cho các con mình nghe về một số truyền thuyết, sự tích liên quan đến thời kỳ Vua Hùng, tôi muốn các con tôi ý thức được nguồn cội chung của dân tộc, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước.
Vua Hùng và thời đại nhà nước Văn Lang cùng các truyền thuyết liên quan cũng được các trường học trên địa bàn tỉnh đưa vào giảng dạy cho học sinh, nhằm bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đó.
Em Hoàng Lý Thuý Phương, lớp 11A4, Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định cho biết: Trong tiết học môn Lịch sử, môn Ngữ văn, em được tìm hiểu về thời kỳ nhà nước Văn Lang, về Vua Hùng cũng như các câu chuyện truyền thuyết như Bánh chưng bánh dày, Mỵ châu Trọng Thủy, Sơn tinh Thủy tinh, Lạc Long Quân và Âu Cơ... Em cảm thấy vô cùng tự hào, xúc động khi được tìm hiểu về công lao dựng nước, giữ nước của các vua Hùng, từ đó nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong phấn đấu học tập, rèn luyện và xây dựng Tổ quốc giàu mạnh hơn.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ nhiều di vật khảo cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đây là thời kỳ được các nhà sử học cho rằng gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước (thời đại này Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải). Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ, nhiều người lại đến Bảo tàng tỉnh để tìm hiểu, tham quan những hiện vật này để hiểu hơn về thời đại Hùng Vương cũng như lịch sử dân tộc. Các di vật rất phong phú với nhiều loại hình: công cụ lao động sản xuất (lưỡi cày hình chân vịt, đục, mai, rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo, rìu hình chữ nhật…), đồ dùng sinh hoạt (thạp, nồi đồng, bát…), vũ khí chiến đấu (lao, giáo, mũi tên, hộ tâm phiến…)..., tiêu biểu nhất là trống đồng Na Dương.
Theo hồ sơ thông tin hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, trống đồng Na Dương được phát hiện vào năm 1970 tại sườn đồi Khau Bất, làng Na Dương, xã Đông Quan (nay là thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình). Căn cứ vào kiểu dáng, hoa văn trang trí trên mặt và thân trống, các nhà nghiên cứu xác định trống đồng Na Dương thuộc nhóm cuối cùng của trống loại I có niên đại khoảng thế kỉ I đến thế kỉ V, là loại trống Đông Sơn muộn sau chính thống, ra đời khi văn hóa Đông Sơn đã cơ bản kết thúc.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ thường xuyên tiến hành bảo dưỡng, vệ sinh các hiện vật khảo cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó, chúng tôi giao Phòng Kiểm kê, bảo quản viết các bài nghiên cứu, tuyên truyền về các hiện vật này đăng trên trang thông tin của bảo tàng để giới thiệu những giá trị tiêu biểu tới khách tham quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các thuyết minh viên lồng ghép quảng bá về các hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn khi dẫn đoàn khách tham quan bảo tàng.
Có thể thấy, trải qua năm tháng, cùng với các giá trị văn hóa khác, Quốc tổ Hùng Vương và những công lao đóng góp của các vị đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Xứ Lạng nói riêng, cả nước nói chung. Đó là một biểu tượng sáng ngời về ý thức nguồn cội. Thông qua giỗ tổ Hùng Vương tinh thần đoàn kết của Nhân dân càng được tô thắm, phát huy mạnh mẽ và mỗi người càng thêm trân quý những thành quả mà cha ông đã dựng xây, nỗ lực hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Nguồn: https://baolangson.vn/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-trong-tam-thuc-nguoi-dan-lang-son-5042735.html
Bình luận (0)