Nghi thức chúc tán vua tại chùa Phước Lưu (phường Trảng Bàng)
Với triều Nguyễn, hàng tháng vào các ngày sóc, vọng (tức mùng 1, 15 nông lịch), các vị tăng cang vào triều chầu vua và thuyết kinh, giảng pháp cho hoàng tộc. Chư tăng trú xứ tại các chùa không thể vào triều chầu vua như các vị tăng cang nên lập bàn thờ vọng bái vua cũng được xem là chầu vua. Bài vị được khắc phụng thờ vị vua đang tại vị với ý nghĩa tôn xưng. Bài vị có nội dung: “Thượng chúc đương kim Hoàng đế thánh thọ vạn vạn tuế” (上祝當今皇帝聖壽萬萬歲).
Theo xưa, bài vị vua được đặt ở vị trí nhìn về hướng Nam với ngụ ý theo câu: “Thánh nhân ngó mặt về hướng Nam mà nghe nguyện vọng của thiên hạ”. Có chùa bài vị thờ vua được đặt cùng bàn thờ Hộ pháp ở chính điện, hướng nhìn về bàn thờ Phật như ở chùa Phước Lưu (phường Trảng Bàng), chùa sắc tứ Thới Bình, chùa Chưởng Phước (xã Cần Giuộc),... chùa Hiệp Long (phường Tân Ninh) đặt bài vị thờ vua cùng bài vị chư vị tổ sư tiền bối ở tổ đường.
Ngoài ra, tại nhiều ngôi chùa ở Tây Ninh có thờ cốt tượng hoặc hình ảnh vua Trần Nhân Tông trong tư thế của người xuất gia ngồi kiết già thiền định ở tổ đường, tôn xưng là “Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Đại Thánh Tổ Phật” hay gọi tắt là “Phật Hoàng”.
Chúc tán vua theo nghi thức Phật giáo cổ truyền được thực hiện vào thời công phu khuya ngày sóc, vọng hàng tháng. Sau khi chúc tán tại bàn thờ Phật, chư tăng bưng khay lễ đến bàn thờ có bài vị vua hành lễ, nghi thức do vị trụ trì chùa đương vi sám chủ.
Theo thư tịch, kinh sách tại chùa Phước Lưu (phường Trảng Bàng), trong nghi thức, vị sám chủ xướng câu: “Chúc duyên kim thượng Hoàng đế thánh thọ vạn an, thượng chúc Hoàng hậu chánh phối tề niên, Thái tử thiên thu, Đông cung điện hạ hưởng hà linh, văn võ chư đại thần đồng thùy đế đức chuyển cao thăng ư lộc vị”, “Nam mô Vô Lượng Thọ chúc tán Nguyên thủ vạn vạn tuế” trong nền nhạc lễ Phật giáo gồm chuông, mõ, khánh và trống. Khi lễ chúc tán tại các bàn thờ xong, chư tăng quay về lại chính điện lễ lạy tứ ân, trong đó có câu: “Nhất tâm đảnh lễ Quốc vương Thủy Thổ, Thiên Địa phúc tải chi ân”.
Với những chùa không có bài vị thờ vua, chư tăng thực hiện nghi thức tại vị trí chính điện, sau khi chúc tán cúng Phật đến chúc tán vua. Trong 3 tháng an cư kiết hạ, tại các chùa có tổ chức trường hạ theo lối cổ truyền đều còn lưu giữ và thực hiện theo xưa nghi thức chúc tán vua 2 kỳ hàng tháng.
Bên cạnh thờ tự, việc chúc tụng vua còn được thể hiện trên các hoành phi, liễn đối trong kiến trúc chùa. Tại tiền điện chùa Phước Lưu (phường Trảng Bàng) treo bức hoành phi có niên đại năm Quý Mão (1903) khắc chữ Nho do thư pháp gia người Hoa ở vùng Chợ Lớn tên là Mạc Thiên Trai thủ bút với nội dung: “Vạn thọ vô cương” (萬壽無疆) ngụ ý chúc Phật, chúc vua muôn tuổi lâu dài.
Tín ngưỡng thờ vua trong những ngôi chùa xưa ở Tây Ninh và cả Nam Bộ đã thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các vị vua chúa đến Phật giáo, trong đời sống của người dân, sự “ngự trị” của các vị vua nơi vùng đất mới. Qua đây, còn thể hiện được tinh thần Phật dạy trong đạo lý “Tứ ân”: Ân cha mẹ, sư trưởng; ân quốc vương, đất nước; ân Tam bảo (Phật, pháp, tăng); ân đồng bào, nhân loại.
Thông qua tín ngưỡng thờ vua với đạo lý “Tứ ân” nhằm giáo dục người học Phật tình yêu quê hương, đất nước; tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước. Xã hội ngày càng hiện đại, các nghi thức cổ truyền dần bị mai một, chính những ngôi chùa là nơi gìn giữ được những giá trị truyền thống ấy, trong đó có tục thờ vua ở Tây Ninh./.
Phí Thành Phát
Nguồn: https://baolongan.vn/tin-nguong-tho-vua-o-chua-a198455.html
Bình luận (0)