Cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh:H.Lộc |
Để thực hiện chỉ tiêu thu hồi đất hiệu quả, cần đảm bảo hoàn thiện hồ sơ pháp lý các dự án, đồng bộ các quy hoạch và xây dựng tốt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Huyện thu hồi nhiều nhất hơn 2 ngàn hécta
Dẫn đầu trong các địa phương có chỉ tiêu thu hồi đất nhiều nhất năm nay là huyện Long Thành. Tại Quyết định số 1004/QĐ-UBND ngày 31-3-2025 của UBND tỉnh, huyện Long Thành có chỉ tiêu thu hồi khoảng 2.039 hécta đất, trong đó đất nông nghiệp là 1.946 ngàn hécta và đất phi nông nghiệp hơn 93 hécta. Nếu phân theo đơn vị hành chính, các địa phương sẽ thực hiện thu hồi đất nhiều là: xã Phước Bình 524 hécta, xã An Phước 298 hécta, xã Long Đức 283 hécta, thị trấn Long Thành 186 hécta.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Trần Văn Thân, năm nay, huyện tiếp tục thực hiện nhiều dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, đáng chú ý là nhóm dự án: khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương trong năm 2024, 2025; dự án đường bộ, đường cao tốc, đường sắt; khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư; khu thương mại tự do và các khu đất tỉnh đấu giá quyền sử dụng.
Tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC yêu cầu, các địa phương phải công khai kế hoạch thu hồi đất đến người dân. Cuối năm tổ chức rà soát, đề xuất xử lý việc thu hồi đất không đúng với kế hoạch.
Địa phương có chỉ tiêu thu hồi đất nhiều thứ 2 là thành phố Biên Hòa. Theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm nay, thành phố thu hồi khoảng 1.035 hécta đất để thực hiện các dự án, trong đó, có hơn 556 hécta là đất nông nghiệp và gần 479 hécta. Phân chia theo đơn vị hành chính, phường An Bình có chỉ tiêu thu hồi đất nhiều nhất 328 hécta, kế đến phường Hiệp Hòa gần 324 hécta…
Theo thành phố Biên Hòa, các địa phương có chỉ tiêu thu hồi đất nhiều trong năm nay như: phường An Bình thu hồi đất Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu để thực hiện Dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường; phường Hiệp Hòa thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa; phường Phước Tân, phường Tam Phước thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Huyện Nhơn Trạch cũng nằm trong tốp 3 địa phương thu hồi đất nhiều nhất năm nay. Theo kế hoạch được duyệt, năm nay, huyện sẽ thu hồi hơn 921 hécta đất, chủ yếu là đất nông nghiệp để thực hiện các dự án công nghiệp, giao thông và nhà ở.
Thực tế cho thấy, 3 địa phương có chỉ tiêu thu hồi đất lớn này đều đang và sắp triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng của trung ương, tỉnh và địa phương.
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chỉ tiêu
Thu hồi đất để thực hiện các dự án công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, nhà ở… là yêu cầu tất yếu để thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu này thì dự án thu hồi đất phải đảm bảo phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đối với các dự án đăng ký kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng của dự án; thực hiện đúng quy trình, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất.
Một góc thành phố Biên Hòa, địa phương có chỉ tiêu thu hồi hơn 1 ngàn hécta đất năm 2025. Ảnh: HOÀNG LỘC |
Thời gian qua, không ít dự án thu hồi đất kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều hơn do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, chậm triển khai dự án. Đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng theo mong muốn của người dân; công tác điều tra, xác minh nguồn gốc đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, xét tái định cư kéo dài; hạ tầng tái định cư chưa sẵn sàng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, một trong những điểm nghẽn quan trọng và khá phổ biến khiến quá trình thu hồi đất triển khai dự án gặp nhiều khó khăn là chậm trễ trong triển khai xây dựng hạ tầng các khu tái định. Nhiều địa phương, đã thu hồi đất của người dân, đã triển khai dự án trên phần đất thu hồi nhưng khu tái định cư chưa xây dựng hạ tầng hoặc chỉ mới dừng ở quy hoạch “trên giấy”. Điều này dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, khiếu nại, thời gian thu hồi đất kéo dài; dự án bị đình trệ vì không có mặt bằng sạch để thi công, “đội” chi phí.
Do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương, nhất là địa phương có diện tích đất thu hồi nhiều, phải quy hoạch sẵn quỹ đất, bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để dự án được triển khai đúng kế hoạch. Tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp với đúng, đủ, kịp thời quyền lợi của người bị thu hồi đất, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.
Hoàng Lộc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/top-3-dia-phuong-thu-hoi-dat-nhieu-nhatnam-2025-7425dbe/
Bình luận (0)