Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục được bố trí tổng cộng 18.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,6% tổng vốn đầu tư công của thành phố. Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn thành phố có thêm 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ vốn đầu tư công và 800 phòng học từ nguồn xã hội hóa.

Khi thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, trong tổng số 276 dự án thì 142 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư, 134 dự án còn vướng hồ sơ pháp lý. Dù các sở, ban, ngành, địa phương đều nỗ lực, tập trung cao độ thực hiện nhưng nhìn chung tiến độ triển khai các công trình còn chậm, số phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Về nguyên nhân, đại diện Sở GD-ĐT cho hay, giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan các vấn đề đầu tư công, công tác quy hoạch, đất đai, các điều kiện về môi trường, giao thông...
Nhiều dự án xây dựng trường được quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện nhiều bước, giá cả biến động theo các quy định cập nhật mới dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao.
Riêng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, do chưa có tiền lệ, quy định và hướng dẫn chưa cụ thể nên còn nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thành phố cũng chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn để thu hút và huy động các nguồn lực xã hội.
Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình, việc chậm trễ đưa vào khai thác các công trình xây dựng trường lớp khiến tăng áp lực chi thường xuyên cho ngân sách, cũng như không giải quyết kịp thời bài toán nhu cầu về trường lớp cho người dân.
Đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, tập trung đưa ra các giải pháp. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, cần xây dựng tiêu chí, quy trình xử lý đối với những nhóm công trình cụ thể để bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản bộ máy hành chính, có thể tính toán các vị trí đất được thu hồi để đầu tư cho giáo dục, tranh thủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đảm bảo mục tiêu xây dựng trường lớp.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở GD-ĐT kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh giao UBND TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, 1/500, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị đối với các công trình có xây dựng tầng hầm để các dự án thuận lợi triển khai.
Ngoài ra, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát, xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp nhà đất để tăng quỹ đất đầu tư cho giáo dục.
Bên cạnh đó, xử lý trách nhiệm các nhà đầu tư đã được thành phố giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư tại các khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư theo cam kết quy hoạch.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tp-ho-chi-minh-thao-go-kho-khan-day-nhanh-tien-do-xay-dung-4500-phong-hoc-post409078.html
Bình luận (0)