Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình, đặc san Tuổi Trẻ 30-4 - Sum họp một nhà

Sáng 26-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và giới thiệu đặc san Tuổi Trẻ 30-4 tại Đường sách TP.HCM.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ26/04/2025

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và ông Huỳnh Kim Nhựt - phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam trao giải nhất cho tác giả Đoàn Khuyên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tham dự buổi lễ có nhà báo Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhà báo Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM;

Bà Nguyễn Thị Thu - trưởng chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, ông Huỳnh Kim Nhựt - phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam;

Cùng các nghệ sĩ Mộng Tuyền, Thanh Vy, Thanh Dậu, nhà giáo ưu tú Mạnh Dung, nhạc sĩ Văn Hai... các tác giả đoạt giải và đông đảo độc giả Tuổi Trẻ.

Đoàn Khuyên đoạt giải nhất Kể chuyện hòa bình

Cuộc thi Kể chuyện hòa bình do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau hơn một tháng phát động, ban tổ chức cuộc thi Kể chuyện hòa bình nhận được hơn 800 bài viết của bạn đọc cả nước.

Hai chữ "hòa bình" giản dị nhưng chứa đựng khát vọng ngàn đời của nhân loại. Hòa bình còn là sự sẻ chia, thấu hiểu, là tình yêu thương và lòng trắc ẩn giữa người với người được các tác giả kể lại, gợi nhớ nhiều hồi ức đẹp, thể hiện khát vọng hòa bình.

Một điều đặc biệt lễ trao giải cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình diễn ra trong ngày cần kề cột mốc đánh dấu 50 năm ngày đất nước thống nhất, 50 năm Bắc - Trung - Nam liền một dải hòa bình.

Ban tổ chức trao giải nhất cho tác giả Đoàn Khuyên với tác phẩm Chuyện tình của ba má.

Hai giải nhì trao cho tác giả Nguyễn Quốc Đạt (Sài Gòn, 30-4 và má) và Nguyễn Lan Quy (Sự được mất do số phận sắp đặt).

Ba giải ba lần lượt dành cho các tác giả Vũ Thị Thùy Dương (Bản tin đoàn tụ), Bảo Nam (Người kể chuyện tháng tư), Huỳnh Tới (Nước mắt vỡ òa trưa 30-4 năm ấy) và 10 giải khuyến khích.

Trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình, đặc san Tuổi Trẻ 30-4 - Sum họp một nhà - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu - trưởng chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam - trao giải cho các tác giả - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 3.

Nhà báo Trường Uy và bà Nguyễn Thị Hậu trao giải cho các tác giả - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 4.

Các tác giả nhận giải khuyến khích - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam Huỳnh Kim Nhựt nhận xét cuộc thi Kể chuyện hòa bình khẳng định vai trò tiên phong của báo chí trong việc khơi gợi, nuôi dưỡng tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự sẻ chia và lòng nhân ái thông qua từng câu chữ, từng dòng cảm xúc của các tác giả dự thi.

"Với vai trò là đơn vị đồng hành và tài trợ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam rất vinh dự được góp phần lan tỏa thông điệp đầy ý nghĩa của chương trình. 

Chúng tôi lựa chọn đồng hành bởi tin rằng giá trị hòa bình, sự sẻ chia và phát triển bền vững là những điều mà tập đoàn luôn theo đuổi, không chỉ trong sản xuất kinh doanh, mà còn trong các chương trình vì cộng đồng, vì thế hệ trẻ" - ông Huỳnh Kim Nhựt chia sẻ.

Trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình, đặc san Tuổi Trẻ 30-4 - Sum họp một nhà - Ảnh 5.

Ông Huỳnh Kim Nhựt - phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam - phát biểu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình, đặc san Tuổi Trẻ 30-4 - Sum họp một nhà - Ảnh 6.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ về cuộc thi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà báo Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ về câu chuyện chạy bộ từ rạng sáng qua nhiều cung đường của thành phố được trang trí cờ hoa dịp lễ 30-4 rất đẹp.

Anh cho biết: "Sinh ra sau năm 1975, hậu quả của chiến tranh còn để lại, lớn lên trong khó khăn nên khá hiểu hậu quả của chiến tranh như thế nào. 

Người thân cũng kể những câu chuyện thời chiến, tôi hiểu trong mỗi người có những ký ức đẹp, ký ức buồn, nhưng đọng lại làm cho mọi người nhìn thấy tương lai.

Thông qua cuộc thi, Tuổi Trẻ mong lắng nghe những ký ức của thế hệ đi trước, để giáo dục cho thế hệ trẻ hòa bình đẹp lắm. Hòa bình có được từ những mất mát đau thương. Hòa bình đẹp lắm có từ sự cố gắng của các bạn trẻ hôm nay phải làm sao để đất nước có vị thế hơn".

Clip tổng kết cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình - Nguồn: BTC

Nghệ sĩ chung vai vì tình yêu nghệ thuật, vì khán giả

Dịp này, khán giả sẽ được giao lưu, trò chuyện cùng nhà giáo ưu tú Mạnh Dung; nghệ sĩ Mộng Tuyền; bà Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM và tác giả đoạt giải nhất Đoàn Khuyên.

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 7.

Các khách mời tham gia giao lưu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Thị Hậu tiếc vì biết đến cuộc thi trễ và được Tuổi Trẻ mời làm giám khảo cuộc thi nên không thể tham gia. Nhân dịp dự lễ trao giải, bà Hậu kể lại câu chuyện của ba mẹ mình khiến người tham dự xúc động.

"Đọc các bài dự thi, tôi như thấy câu chuyện của gia đình tôi. Ở một góc độ nào, độc giả đọc những bài viết này cũng sẽ thấy gia đình mình trong đó. Tôi chấm thi với sự đồng cảm của tác giả bài viết" - bà Nguyễn Thị Hậu nói.

Tác giả Đoàn Khuyên cho biết ban đầu chị viết Chuyện tình của ba má 15.000 chữ. Sau đó cắt xuống còn 2.500 chữ, rồi "cắn răng" cắt còn 1.200 chữ để phù hợp thể lệ cuộc thi.

"Tôi thay ba má kể lại chuyện tình của ba má và khát vọng hòa bình. Rất may câu chuyện của mình nhận được sự đồng cảm của độc giả và ban giám khảo" - tác giả Đoàn Khuyên chia sẻ.

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 8.

Tác giả Đoàn Khuyên chia sẻ về bài thi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, NSND Kim Cương đã nhận lời đến với buổi trao giải và ra mắt đặc san của báo Tuổi Trẻ, tuy nhiên do tối 25-4 tim bà lại mệt nên đành cáo lỗi, tiếc nuối không thể đến gặp gỡ độc giả tại Đường sách. 

Nghệ sĩ Mạnh Dung nhớ lại ngày cả gia đình ông gồm 5 nghệ sĩ: vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung - Thanh Dậu, vợ chồng nghệ sĩ Hùng Tấn - Thanh Vy, nhạc sĩ Văn Hai trong lực lượng Đoàn cải lương Nam Bộ theo chuyến tàu thủy đầu tiên xuất phát từ Hải Phòng xuôi về phương Nam. 

Ông nhớ rõ đó là chuyến tàu ngày 19-5-1975. Khi tàu cập bến, những nghệ sĩ từ phương Bắc như vỡ òa cảm xúc vì được đặt chân đến mảnh đất mới, mảnh đất cội nguồn của nghệ thuật cải lương. 

Hòa trong không khí thành phố ở những ngày đầu giải phóng, các nghệ sĩ hết sức hạnh phúc, tự hào vì được cất lên lời ca, tiếng hát phục vụ bà con thành phố. Những cảm xúc ngày đầu khó quên đó đã theo họ suốt hành trình nghệ thuật để yêu mến, gắn bó với TP.HCM như quê hương thứ 2 của mình.

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 9.

Nghệ sĩ Mộng Tuyền xúc động tạo buổi giao lưu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghệ sĩ Mộng Tuyền được nhiều độc giả tại Đường sách trầm trồ vì ở tuổi gần 80 bà vẫn giữ được nét mặn mà của cô đào tài sắc của làng cải lương, của màn ảnh năm nào. Mộng Tuyền chia sẻ vì là cô đào nổi tiếng trước 1975 nên trong ngày giải phóng bà cũng có những lo lắng, không biết cuộc sống mới như thế nào, có cơm để ăn không? 

Tuy nhiên, sau này Mộng Tuyền có cơ hội làm việc với đạo diễn Khương Mễ, ông đã giải thích, phân tích khiến Mộng Tuyền ban đầu rất sợ... Việt Cộng sau cảm thấy họ cũng dễ thương, cũng gần gũi. 

Nghệ sĩ cách mạng hay không cách mạng gì thì cũng đều là người làm nghệ thuật, cũng yêu cái nghề của mình như máu thịt. Đó là điểm chung để các nghệ sĩ xóa nhòa khoảng cách, chung vai thực hiện các vở tuồng phục vụ khán giả trong những ngày đầu thống nhất đất nước. 

Bởi vậy, sau 1975 ngoài rất nhiều vai diễn hay ở sân khấu cải lương như Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Kiều Nguyệt Nga... Mộng Tuyền vẫn tiếp tục tham gia màn ảnh trong các phim Cô Nhíp, Trang giấy trắng... 

Đặc biệt, bà hóa thân nhân vật Mai Trâm (lấy từ nguyên mẫu bác sĩ Ngọc Phượng) trong phim Tình yêu của em thật xuất sắc. Vai diễn in đậm trong tâm trí nhiều khán giả và mang lại cho bà giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6.

Kể chuyện hòa bình - Ảnh 10.

Nhà báo Trường Uy giới thiệu đặc san Tuổi Trẻ 30-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà báo Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - giới thiệu đặc san đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông cho biết việc chọn chủ đề đặc san rất khó. Cuối cùng Tuổi Trẻ chọn chủ đề Sum họp một nhà, không nói về chiến tranh, chỉ nói về hòa bình, về đất nước thống nhất.

"Đọc đặc san, chúng ta sẽ nhớ về ký ức để sống cho hiện tại, hướng về tương lai.

Đi từ dòng lịch sử 30-4, các nghệ sĩ, chính khách phía Bắc và Nam chứng kiến những câu chuyện thời điểm đấy và kể lại câu chuyện của chính họ về ngày 30-4.

Rồi thế hệ sinh năm 1975 tròn 50 tuổi kể về việc họ sinh ra như thế nào.

Đặc san có một chương nói về những khó khăn, những con người vượt qua khó khăn đó, qua câu chuyện của những người chọn ở lại như nghệ sĩ Mộng Tuyền, Kim Cương, Cẩm Vân".

Đặc biệt, báo Tuổi Trẻ tặng kèm đặc san bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc: Giấc mơ hòa bình, thống nhất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

HOÀI PHƯƠNG - LINH ĐOAN

Nguồn: https://tuoitre.vn/trao-giai-ra-mat-sach-ke-chuyen-hoa-binh-dac-san-tuoi-tre-30-4-sum-hop-mot-nha-20250426115758825.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm