Nhóm phục chế ảnh Team Lee tại Hà Nội là một trong những nhóm trẻ tiên phong thực hiện công việc thầm lặng này. Tuy nắm trong tay công nghệ AI hiện đại và vi diệu nhưng quá trình phục dựng ảnh không hề đơn giản. Bởi có những bức ảnh đã hư hỏng nặng, như mất đi hầu hết gương mặt, mất đi đôi mắt, hỏng mũi và miệng... Thế nên, người phục chế ảnh phải ngồi hàng giờ để nghe người thân các liệt sĩ miêu tả lại những chi tiết đã bị thời gian làm phai mờ. Thậm chí, có những thân nhân đã khóc nức nở vì quá xúc động nên khó truyền tải chi tiết về liệt sĩ một cách trọn vẹn. Những bạn trẻ đã phải rất kiên nhẫn để chỉnh từng đường nét, từng điểm sáng tối, đảm bảo hình ảnh sau khi phục dựng thật rõ ràng, chân thực và sát với thần thái của người trong ảnh nhất có thể.

Nhóm phục chế ảnh Team Lee nỗ lực phục dựng ảnh liệt sĩ đã hư hỏng.

Nhóm phục chế ảnh Team Lee nỗ lực phục dựng ảnh liệt sĩ đã hư hỏng.

Anh Phạm Anh Tuấn, nhóm phục chế ảnh Team Lee, chia sẻ: “Tôi thấy công việc chúng tôi đang làm rất ý nghĩa, mong muốn có thêm nhiều nhóm khác để lan toả công việc này, khôi phục được nhiều bức ảnh hơn nữa, nhằm đem niềm vui đến cho thân nhân liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Với công nghệ AI, phục dựng một bức ảnh chỉ cần 2-3 tiếng, thậm chí 10-15 phút, nhưng đảm bảo chất lượng ảnh phục dựng đồng đều, rõ nét và tự nhiên hơn so với phương pháp thủ công. Quan trọng nằm ở sự tỉ mỉ của người làm khi theo sát hình dung từ ký ức của người thân liệt sĩ.

Anh Lê Quyết Thắng, nhóm phục chế ảnh Team Lee, cho biết: “Những bức ảnh hầu như đã hỏng 90% sẽ phải cần nhiều thời gian hơn để làm, và khi làm phải dồn hết tâm huyết, nhất là những bức ảnh của các chú, các ông thì càng tỉ mỉ hơn vì cả đời họ chỉ còn mỗi một bức ảnh là của quý nhất. Chúng tôi đã phải trò chuyện, nghe người thân liệt sĩ miêu tả về các liệt sĩ từ những mảnh ký ức của họ, cộng với sự cảm nhận, để dùng AI vẽ lại cho hoàn chỉnh nhất”.

Nhiều ảnh liệt sĩ được phục dựng vô cùng sống động.

Nhiều ảnh liệt sĩ được phục dựng vô cùng sống động.

Một nhóm khác cũng làm công việc phục dựng ảnh các liệt sĩ, là nhóm Skyline, họ cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với nhiều trường hợp xúc động. Anh Phùng Quang Trung, Trưởng nhóm Skyline, chia sẻ:"Mình và các thành viên của nhóm đã phải thức xuyên đêm, có khi đến 4 giờ sáng mới được ngủ nhưng 9 giờ đã phải dậy làm việc tiếp. Tuy nhiên, cả nhóm không ai thấy mệt hay phiền, bởi họ vẫn còn nhiều thời gian nhưng người thân của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng thì không còn nhiều thời gian. Họ mong ngóng từng giây từng phút được nhìn lại hình ảnh của con, của anh, của cha, của mẹ... đã ra đi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh".

Anh Trung kể: “Nhóm có 20 người, cùng tuổi nhau nên dễ chia sẻ. Chúng tôi chia nhau mỗi người một việc và mỗi lần phục dựng ảnh lại có thêm những xúc cảm khó nói nên lời. Có lần mang ảnh của một liệt sĩ về cho bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở Thái Bình, chúng tôi phải bật khóc nức nở. Mẹ ôm ảnh con trai, vuốt ve, nựng nịu mà nước mắt rơi lã chã không ngừng, miệng mẹ cứ lầm bầm rằng: “Con về rồi. U nhớ con lắm”. Cũng có những lần, khi mang di ảnh đã phục dựng đến nơi thì mẹ của liệt sĩ đã qua đời. Chúng tôi đặt di ảnh của anh cạnh di ảnh của mẹ. Anh em chúng tôi nhìn nhau nghẹn ngào, không nói thêm được lời nào”.

Tính đến nay, nhóm Skyline đã phục dựng hơn 6 ngàn bức ảnh, với hàng ngàn câu chuyện về sự hy sinh của những người con anh hùng của Tổ quốc. Những bức ảnh này không chỉ được lưu giữ trong không gian số mà còn được gửi tận tay gia đình, các khu di tích, bảo tàng và đơn vị trưng bày.

Anh Quang Trung chia sẻ về tâm huyết thực hiện dự án: “Chúng tôi đã tận tay trao tặng những bức ảnh này đến gia đình các anh hùng, các khu di tích, bảo tàng, đơn vị trưng bày... từ đất liền đến hải đảo, ở khắp mọi miền Tổ quốc. Ðó là một hành trình không đơn giản, nhưng là tâm huyết của cả nhóm. Chúng tôi đã cùng nhau đến đích, đó là trao yêu thương cho người ở lại”.

Làm sống lại một phần hình ảnh của những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do, hoà bình của Tổ quốc là nỗ lực của lớp trẻ ngày nay. Nắm trong tay sức mạnh công nghệ, họ biết dùng đúng chỗ để mang lại giá trị tốt đẹp cho quê hương./.

 

Lam Khánh

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Nguồn: https://baocamau.vn/trao-yeu-thuong-cho-nguoi-o-lai-a38296.html