Bao đời nay, đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng đệm KBT loài Sao La, tỉnh Quảng Nam đều gắn bó mật thiết với rừng, coi rừng như một phần máu thịt. Vì vậy, việc tạo sinh kế cho người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về QLBVR, bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là triển khai hiệu quả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần giúp ổn định cuộc sống người dân và bảo vệ đa dạng sinh học.
Việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến từng hộ gia đình, nhất là phụ nữ, thiếu thanh niên về QLBVR sẽ tạo nên nền tảng xã hội vững chắc cho bảo tồn. Việc thay đổi nhận thức không chỉ đơn giản là hiểu về tầm quan trọng của rừng, mà còn là thay đổi hành vi từ việc săn bắt, hái lượm sang sống hài hòa với thiên nhiên, tham gia trồng rừng, giám sát rừng, làm du lịch sinh thái hoặc các sinh kế bền vững khác.

Những năm qua, Ban Quản lý KBT loài Sao la đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, các tổ bảo vệ rừng cộng đồng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân tại vùng đệm. Các buổi tuyên truyền, tập huấn được tổ chức tại các cộng đồng thôn trên địa bàn, gồm cộng đồng thôn Đang, Atếêp, Ta lang của xã Bhalêê, huyện Tây Giang; Aur, Aréc, Ga’lâu, Cr’toonh của xã Avương, huyện Tây Giang; Pà Nai, Aréh Đhrồng của xã Tà Lu, huyện Đông Giang; Gừng, Aduông, Tà vạc của thị trấn Prao, huyện Đông Giang; Pho, BhlôBền, K8, Bhơhồng của xã Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Nội dung tuyên truyền không chỉ giới thiệu về giá trị của các loài động vật quý hiếm như sao la, voọc chà vá chân nâu..., mà còn lồng ghép kiến thức về QLBVR, tác hại của săn bắt, bẫy thú rừng, quy định về cấm chặt phá rừng, cũng như vai trò của rừng trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Hiện nay, một số mô hình đã được triển khai thí điểm tại vùng đệm KBT loài Sao La với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức bảo tồn như: Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông tại thôn bản, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của từng loài động thực vật, hệ sinh thái rừng và các hậu quả từ việc mất đa dạng sinh học.
Thành lập các tổ tuần tra rừng cộng đồng gồm chính người dân trong thôn tự nguyện giám sát và báo cáo các vi phạm, cùng phối hợp với kiểm lâm kiểm tra, xử lý khi phát hiện; hỗ trợ sinh kế thay thế như nuôi ong lấy mật, trồng dược liệu dưới tán rừng, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu hợp pháp; từ đó giảm lệ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng; lồng ghép bảo tồn vào giáo dục thông qua các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ thiên nhiên tại trường học giúp hình thành tình yêu thiên nhiên cho trẻ nhỏ từ sớm.
Theo lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, việc đưa công tác QLBVR, bảo vệ động - thực vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học đến từng hộ gia đình tại vùng đệm KBT loài Sao La là điểm sáng trong QLBVR. Khi người dân được tham gia, được hỗ trợ và có sinh kế thay thế, họ sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng giữ rừng chuyên trách.
Nguồn: https://cand.com.vn/Xa-hoi/trien-khai-hieu-qua-dich-vu-moi-truong-rung-o-vung-dem-khu-bao-ton-loai-sao-la-i766537/
Bình luận (0)