Ngày 15/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (Nghị quyết) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến toàn quốc (hơn 21.000 điểm cầu, hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình hội nghị trực tuyến)
Tại Hội trường Diên Hồng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự hội nghị.
Tham dự và chủ trì hội nghị ở điểm cầu Cà Mau có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt nghị quyết
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự và trực tiếp truyền đạt các nội dung Nghị quyết tại hội nghị. Đây là sự đổi mới cả về hình thức, nội dung và phương thức quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết của Đảng ta.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khoá XIII họp từ ngày 10-12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn về nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi. Đây là hội nghị lịch sử với nhiều công việc hệ trọng, mang tính lịch sử của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình hội nghị trực tuyến)
Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt BCH Trung ương ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TƯ (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khoá XIII) với nhiều nội dung quan trọng về chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, về đề án và phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp…
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trình bày Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”.
Về dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng, Trung ương thống nhất về mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm “ổn định, phát triển và nâng cao đời sống Nhân dân”; mọi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong dự thảo các văn kiện đều phải thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện cho được mục tiêu này.
Trung ương yêu cầu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các tổ chức đảng, các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã được thống nhất, thông qua. Các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng nhanh chóng tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện (nhất là phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương sau sáp nhập) gửi đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, góp ý; tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 12; để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thảo luận cho ý kiến.
Trung ương Đảng thống nhất về yêu cầu cao của giai đoạn tới đối với sự phát triển của đất nước là “phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững”, “chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển”. Kiên trì với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền tảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Thống nhất quyết tâm mạnh mẽ “xác lập mô hình tăng trưởng mới”, “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới” là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, trình bày chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. (Ảnh chụp từ màn hình hội nghị trực tuyến)
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế; đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, phấn đấu ngay trong năm 2025, tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển của đất nước. Đảm bảo hoàn thành các công việc theo đúng tiến độ, yêu cầu của Trung ương đề ra.
Trung ương thống nhất phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 tổ chức theo hướng sớm hơn, tạo sự đồng bộ với đại hội đảng các cấp. Đẩy mạnh cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân đối với các công việc của đất nước.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trình bày chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các tờ trình và đề án.
Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Trung ương đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện. Việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; kết thúc hoạt động của Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân có 3 cấp.
Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trình bày chuyên đề tại hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình hội nghị)
Những việc cần làm ngay
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu chỉ đạo hội nghị đã nhấn mạnh yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu triển khai các công việc cần làm ngay sau hội nghị.
Chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình, cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các Đề án, kế hoạch đã được Trung ương thông qua.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân.
Chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp; chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi tiến hành công việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức.
Về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức.
Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý các vấn đề liên quan đến tổ chức đại hội đảng các cấp. Phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo văn kiện mới của Trung ương. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban Thường vụ phải bàn với nhau để xây dựng văn kiện của đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh thần “không gian phát triển mở rộng” của tỉnh mới để xây dựng văn kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này.
Về nhân sự, các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn. “Phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Theo đó, Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề chưa thống nhất, đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo (các tỉnh cũng cần phân công các đồng chí cấp uỷ tỉnh hướng dẫn chỉ đạo đại hội cấp xã).
Đảm bảo lộ trình và tiến độ, quy trình (nhất là quy trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy chế dân chủ cơ sở) về sửa đổi hành lang pháp lý, về thời điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập xã, sắp xếp, sáp nhập tỉnh như Nghị quyết đã được thông qua với tinh thần khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng phải hiệu quả, thực chất.
Nhấn mạnh công việc trước mắt rất bộn bề, gian khó, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cấp bách, Nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong chờ, Tổng Bí thư khẳng định đây là thử thách lớn, đồng thời là cơ hội để từng đồng chí uỷ viên Trung ương thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước, Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong phát triển đã được đề ra, đưa đất nước, dân tộc tiến bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc.
Quốc Rin
Nguồn: https://baocamau.vn/trien-khai-thuc-hien-ngay-nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-11-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-a38390.html
Bình luận (0)