Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trên nguyên tắc rõ ràng
Các chuyên gia tài chính cho rằng, Dự thảo Nghị quyết sẽ đặt nền móng cho việc thành lập 2 Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng - được xác định là các khu vực địa lý với ranh giới rõ ràng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và hỗ trợ. Mục tiêu là nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo, đồng thời kết nối với các thị trường tài chính lớn. Chính phủ sẽ ban hành nghị định xác định vị trí, diện tích và ngành nghề ưu tiên, đảm bảo trung tâm vận hành theo chuẩn mực quốc tế.
Các nguyên tắc hoạt động được nhấn mạnh gồm hiệu quả, minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Thành viên trung tâm – các pháp nhân được đăng ký hoặc công nhận hoạt động – sẽ hưởng các chính sách đặc thù, từ ưu đãi thuế đến tự do giao dịch tài chính. Nhà nước cam kết bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư và lợi ích hợp pháp, đồng thời đảm bảo sự độc lập của trung tâm. Cơ quan quản lý và giám sát trung tâm được tổ chức tinh gọn, độc lập, chịu trách nhiệm giám sát rủi ro, thanh tra và xử lý vi phạm, tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trung tâm Trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Được biết, Nghị quyết mang tính thí điểm trong 10 năm, từ năm 2025, với báo cáo đánh giá được trình Quốc hội trước khi hết hiệu lực để quyết định kéo dài, sửa đổi hoặc kết thúc. Các dự án đã phê duyệt sẽ tiếp tục hưởng ưu đãi đến khi kết thúc, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong giao dịch và văn bản pháp lý thể hiện sự hội nhập sâu rộng, dù đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực và hạ tầng.
Động lực thu hút đầu tư và phát triển
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần làm nổi bật với các chính sách đặc thù nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Dự kiến, về thuế, các dự án ưu tiên tại trung tâm được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Các dự án khác được áp dụng mức thuế 15% trong 15 năm, kèm miễn giảm tương ứng. Đặc biệt, cán bộ quản lý, chuyên gia và nhà khoa học tại Trung tâm được miễn thuế thu nhập cá nhân đến năm 2035, một động lực mạnh mẽ để thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực ngoại hối, thành viên Trung tâm được chuyển đổi ngoại tệ, huy động vốn từ nước ngoài theo quy định. Giao dịch trong Trung tâm có thể sử dụng ngoại tệ để tạo sự linh hoạt tối đa. Về ngân hàng, cơ chế “sandbox” cho phép thử nghiệm mô hình kinh doanh và công nghệ tài chính mới dưới sự giám sát đặc biệt, khuyến khích Fintech và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương.
Về đất đai, các dự án ưu tiên được giao đất hoặc cho thuê với thời hạn tối đa 70 năm, kèm quỹ đất sạch. Nhà đầu tư chiến lược – pháp nhân có năng lực tài chính, uy tín và cam kết lâu dài – được ưu tiên thực hiện dự án hạ tầng lớn, miễn đấu thầu và hưởng chính sách vượt trội. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư đồng bộ, với TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ thu nội địa trong 10 năm và tăng bội chi ngân sách để đáp ứng nhu cầu. Các dự án PPP được áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước lên đến 70%, với cơ chế chia sẻ doanh thu linh hoạt, thu hút nhà đầu tư tư nhân.
Về nhân lực, người nước ngoài làm việc tại Trung tâm được miễn giấy phép lao động nếu đạt tiêu chuẩn chuyên môn, hưởng thị thực nhiều lần đến 5 năm hoặc thẻ tạm trú 10 năm. Nhà đầu tư lớn và chuyên gia cấp cao có thể được cấp thẻ thường trú. Lao động được tự do thỏa thuận tiền lương, với mức lương cơ sở cho cán bộ quản lý cao gấp 3 lần quy định chung. Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực từ nghề đến đại học, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chính quyền địa phương dành quỹ đất và ngân sách để xây dựng khu nhà ở cho lao động, tạo điều kiện sống thuận lợi.
Quản lý và giám sát Trung tâm dựa trên rủi ro, tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các thành viên Trung tâm phải thực hiện nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính và kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Những quy định này không chỉ tạo môi trường đầu tư thuận lợi mà còn đảm bảo lợi ích quốc gia, ngăn chặn rủi ro tài chính.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, dự thảo Nghị quyết về TTTC quốc tế là một bước đi táo bạo, thể hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn, công nghệ và nhân tài. Nếu được triển khai hiệu quả, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ còn là biểu tượng của sự hội nhập và phát triển bền vững, mở ra kỷ nguyên mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-dua-viet-nam-hoi-nhap-toan-cau-162749.html
Bình luận (0)