Sau khi thu hoạch mùa vụ hay đón Tết, hai gia đình kết nghĩa ở hai làng, hai xã… thường có tục lệ thăm hỏi lẫn nhau. Mục đích của việc viếng thăm là giúp hai bên hiểu rõ hoàn cảnh, tình hình phát triển kinh tế, việc nuôi dạy con cháu giữa hai gia đình, hai dòng họ bên nội, bên ngoại... Đây cũng là dịp để hòa giải nếu có những xích mích, mâu thuẫn phát sinh giữa hai gia đình; qua đó, động viên, nhắc nhở con cháu hai bên đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Sau khi kết thúc vụ mùa là lúc có thóc lúa đầy kho, đồng bào có thể lấy ra một số để trao đổi, thăm viếng bà con, dựng vợ gả chồng. Phụ nữ giã lúa và nuôi lợn để có sẵn thực phẩm đem cho bà con.
Theo truyền thống, để chuẩn bị đi thăm con gái và con rể, bố mẹ cô gái hấp gạo nếp trong một cái rổ, rồi gói nó trong 3 - 5 gói hình vuông bằng lá chuối và khoảng 20 - 30 gói hình tam giác nhỏ. Khi làm xong, họ bỏ chúng vào gùi; gói thêm những con cá, con ếch và đem tất cả những thứ này đến thăm nhà sui gia. Con rể tiếp nhận từ bố mẹ của cô dâu những tấm vải, những chiếc chiếu của đồng bào tự làm ra hoặc chiếu hoa của người Kinh...
Ông bố, bà mẹ nhận từ con gái và con rể những thứ như bình rượu, quần tây, áo sơ mi, chiếu, vòng cổ bằng đá, chiêng, trâu, bò, tiền, vàng… Người đàn ông biếu quà cho những người bà con bên vợ, người phụ nữ biếu quà cho những người bà con bên chồng. Nếu đồng bào thu hoạch ngô và dưa chuột, họ chia và biếu cho từng nhà một ít, khoảng 2 hay 3 trái.
Đoàn người nhà gái gùi cơm lam đến biếu tặng nhà trai trong lễ cưới của người Cơ Tu. |
Đối với đồng bào miền núi, củi là thứ hết sức quan trọng trong cuộc sống. Mỗi nhà đều có giàn bếp (rơ pang) hoặc gian chứa củi để bảo đảm nguồn cung cấp chất đốt quanh năm. Họ rất coi trọng bếp lửa và xem lửa như một vị thần đã che chở, bao bọc gia đình và cộng đồng.
Bếp lửa không chỉ để nấu nướng thức ăn, bảo quản lương thực, chế biến thực phẩm mà còn giúp giữ gìn hạt giống cho mùa sau, giữ ấm khi mùa đông tháng giá, bảo vệ vật liệu trong ngôi nhà khỏi hư hại bởi côn trùng và sự hủy hoại của thời gian. Vì củi được xem là của quý nên nó cũng được chọn làm lễ vật để biếu tặng, nhất là với thông gia, đồng bào Cơ tu gọi là dáo oói.
Vào dịp Tết, gia đình nhà gái vào rừng kiếm củi để thăm viếng và tặng cho nhà trai. Củi mang tặng thường là củi tươi, được chẻ nhỏ, đều nhau, nhìn bắt mắt. Họ chọn những loại gỗ có than tốt, dễ cháy như chôm chôm, sến... Tùy theo điều kiện của từng gia đình, nếu khá giả thì tặng hơn 30 gùi (bó), nghèo thì ít hơn.
Củi được nhà trai tiếp nhận và xếp gọn phơi khô trên các giàn bếp nhà mình để dành nấu nướng và biếu tặng một phần cho anh em. Bên nhà trai lo cơm nước, rượu và ít đồ dùng tặng lại nhà gái như chum, chóe, chiếu hoa, chén, bát...
Nông sản từ canh tác nương rẫy là một trong những món quà tặng lẫn nhau của đồng bào Cơ Tu. |
Lễ vật giữa hai bên mang tặng nhau không ép buộc về số lượng, không so bì bên nhiều bên ít mà tuỳ vào điều kiện của mỗi bên gia đình. Các vật lễ giữa hai gia đình mang đến cho nhau được chia lại cho người thân của mỗi bên gia đình. Nếu nhà trai có điều kiện mổ heo hoặc bò, bên nhà gái luôn để một phần thịt ngon để mang tặng cho làng của bên nhà gái.
Ngược lại, bên nhà trai cũng vậy, cũng để một phần ống cá, thịt gà, cơm nếp cho làng của bên nhà trai. Đây là nét văn hóa rất nhân văn thể hiện sự sẻ chia, như một lời biết ơn sâu sắc đến cộng đồng của hai làng đã tạo điều kiện giúp đỡ hai bên gia đình.
Phần thịt được làng chia lại đều cho các nóc nhà dân theo hộ, những người già yếu, thai nhi trong bụng mẹ và người không may mới qua đời chưa được 6 tháng như một phần chia sẻ, động viên, giúp đỡ để tình nghĩa xóm làng ngày thêm tươi đẹp và bền chặt. Nếu làng ở gần, một năm họ đi thăm nhau hai hay ba lần, nếu làng ở xa, vài năm mới tổ chức đi thăm nhau.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/tuc-tham-vieng-cua-nguoi-co-tu-7b5183d/
Bình luận (0)