Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, việc tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là một chủ trương hợp lý của ngành giáo dục. Bởi lẽ, trong thời gian qua, tâm lý học sinh thường có phần chủ quan, nhiều em không chú trọng học tập vì chỉ cần dựa vào học bạ là đủ điều kiện vào lớp 10.
Do đó, phương thức thi tuyển ở tất cả các trường THPT công lập được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng học hành chểnh mảng của học sinh, cũng như tăng trách nhiệm của các trường, của thầy cô giáo trong việc bảo đảm chất lượng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, sự “phá lệ” sau hơn 10 năm không tổ chức thi tuyển cũng gây ra những khó khăn, áp lực cho các địa phương, trường học.
Giờ học chính khóa của học sinh huyện Krông Bông. |
Huyện M’Drắk hiện có 14 trường THCS với 5.578 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 70%, nhiều trường có trên 90% học sinh là người DTTS. Trong khi đó, cơ sở vật chất các trường chưa đồng bộ; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ nên việc tổ chức ôn tập cho học sinh khối 9 gặp khó khăn từ kinh phí đến đội ngũ giáo viên, tâm lý và tinh thần học tập của học sinh; sự quan tâm, phối hợp của cha mẹ học sinh.
Ở cấp trường, thầy Trần Quốc Vương, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) cho biết, theo tinh thần hướng dẫn của ngành giáo dục, nhà trường đã chú trọng công tác truyền thông về tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh; đồng thời tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 9 từ tháng 3 đến cuối tháng 5/2025, nhưng có 40/192 học sinh lớp 9 của trường không đăng ký học. Sự thiếu vắng của 20% học sinh ở lớp phụ đạo khiến nhà trường bị động trong thực hiện kế hoạch dạy học chính khóa cũng như ôn tập cho học sinh khối 9.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Krông Ana cho rằng, theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm thì mỗi môn học tổ chức học thêm tối đa 2 tiết/tuần (tương ứng khoảng 16 tiết/tháng); số tiết đó chưa đủ để củng cố và nâng cao chất lượng của kỳ thi tới bởi giáo dục là một quá trình. Còn về lâu dài, nếu tổ chức phụ đạo cả năm học sẽ gây mất công bằng giữa các môn học bởi đa phần giáo viên các môn thi (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) đã dư tiết; khi dạy phụ đạo, giáo viên phải gồng gánh thêm trách nhiệm…
Để chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi sắp tới, Phòng GD-ĐT huyện M’Drắk đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra cuối năm học cho học sinh lớp 9 toàn huyện theo đề chung do Phòng xây dựng; trong đó, đề thi được xây dựng theo hình thức tự luận 100% để học sinh làm quen với cách thức làm bài tự luận. Phòng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục kỹ năng tự học cho học sinh; phối hợp với phụ huynh trong việc theo dõi, đôn đốc học sinh tự học tại nhà…
Giờ học ngoại khóa của học sinh lớp 9, Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn). |
Trên thực tế, việc tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng hình thức thi tuyển sẽ bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phân luồng giáo dục sau tốt nghiệp THCS; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà… Tuy nhiên, việc thay đổi “thói quen” sau hơn 10 năm cũng cần sự chuẩn bị chu đáo để không gây áp lực nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kép của kỳ thi; thu hút sự quan tâm của phụ huynh trong quá trình giáo dục học sinh; “xốc” lại tinh thần học tập cho học sinh…
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Thanh Xuân cho biết, nhà trường phải "tròn vai" trong việc dạy học và ôn tập cho học sinh: tổ chức dạy học đầy đủ chương trình chính khóa; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa phương pháp, hình thức dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin… để hỗ trợ học sinh tự học, giáo viên dạy hết trách nhiệm của mình; việc tổ chức ôn tập thực hiện đúng đối tượng theo tinh thần của Thông tư 29 (học sinh cuối cấp, học sinh chưa đạt, học sinh giỏi). Phân công giáo viên bảo đảm định mức tiết dạy theo quy định, ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh cuối cấp.
Việc tổ chức kỳ thi thử là một trong những kênh đánh giá hiệu quả để lấy căn cứ tổ chức ôn tập cho học sinh nhưng phải tránh trường hợp học sinh tham gia thi cho có. Bởi quá trình thi thử sẽ giúp học sinh làm quen cách thi, môi trường phòng thi, cấu trúc đề thi, cách làm bài thi… Việc tổ chức thi thử phải thực hiện theo điều kiện thực tế tại trường, địa phương, tránh gây áp lực cho giáo viên (trong ra đề, chấm thi, coi thi) và học sinh (ôn thi, tham gia thi)...
Theo Sở GD - ĐT, tổng số học sinh lớp 9 học kỳ I năm học 2024 - 2025 là 27.203 học sinh, kết quả xếp loại học tập có 2.993 học sinh xếp loại Tốt (chiếm tỷ lệ 8,98%), 8.061 học sinh xếp loại Khá (24,19%), 12.275 học sinh xếp loại Đạt (36,83%), có 3.874 học sinh xếp loại Chưa đạt (11,62%). |
Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202504/tuyen-sinh-lop-10-thpt-nam-hoc-2025-2026-ap-luc-tu-co-so-giao-duc-35517ab/
Bình luận (0)