Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

UBND tỉnh làm việc với Đoàn giám sát số 51 của HĐND tỉnh

Việt NamViệt Nam26/03/2025


Sáng 26/3, Đoàn giám sát số 51 của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 - 2024.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Làm việc với Đoàn giám sát, về phía UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023. Phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo đó bao gồm: 196 khu vực đất san lấp; 157 khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 42 khu vực cát làm vật liệu xây dựng; 35 khu vực sét sản xuất gạch ngói; 01 khu vực đất sản xuất vật liệu xây dựng; 01 khu vực mỏ chì, kẽm; 01 khu vực mỏ thạch anh; 07 khu vực than bùn.

Giai đoạn 2020 - 2024, UBND tỉnh đã cấp, gia hạn, điều chỉnh 32 giấy phép khai thác khoáng sản; trong đó, có 15 giấy phép khai thác cát xây dựng và 22 giấy phép khai thác đá xây dựng. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 01 giấy phép khai thác đá granit làm ốp lát tại khu vực Buôn Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.

Các mỏ được cấp phép khai thác đều có quy mô nhỏ và vừa, loại khoáng sản chính là đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cát làm vật liệu xây dựng thông thường, sét sản xuất gạch, đá ốp lát và đất san lấp mặt bằng công trình. Khai thác bằng công nghệ khai thác lộ thiên, hệ thống khai thác khấu theo lớp bằng (chuẩn bị đất đá và bốc xúc), vận tải trực tiếp bằng ô tô. Sản phẩm từ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng công trình của người dân, công trình phát triển kinh tế xã hội, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, không có xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng từ năm 2020 - 2024 là 988,95 tỷ đồng, ước tính trung bình bằng 0,186% trong cơ cấu tổng sản phẩm.

Đại diện Phòng Kinh tế  - Công an tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đảm bảo theo văn bản chỉ đạo của Trung ương sát với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, thực hiện  các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý.

Đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Hàng năm theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, đã triển khai 06 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với 39 đơn vị khai thác khoáng sản; đồng thời, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với 22 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, quá trình hoạt động một số đơn vị vẫn còn tồn tại, hạn chế như không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản ra ngoài ranh giới được phép khai thác; không thống kê số liệu qua trạm cân; không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; không lập sổ sách, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế; khai thác khoáng sản vượt công suất ...

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở đã xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 25 tổ chức, với tổng số tiền xử phạt 1.444,6 triệu đồng, trong đó: xử phạt trong lĩnh vực khoáng sản: 1.194.000.000 đồng; xử phạt trong lĩnh vực đất đai: 247.000.000 đồng; xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước: 3.600.000 đồng. Ngoài ra, căn cứ đề nghị của Kiểm toán nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 14 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 14 đơn vị với tổng số tiền xử phạt 3.940.000.000 đồng.

Đồng chí Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 – 2024. Tuy nhiên, qua giám sát và khảo sát thực tế tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị cho thấy trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế nhất định, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương nhìn nhận và chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về khai thác khoáng sản trong thời gian tới.

Đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nhất là tại nơi có hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường quản lý nhà nước, hướng dẫn triển khai hiệu quả các quy định và có quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo vệ, quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác; chú trọng thanh tra, kiểm tra, hạn chế thất thoát tài nguyên và ngân sách nhà nước…



Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/ubnd-tinh-lam-viec-voi-oan-giam-sat-so-51-cua-h-nd-tinh

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM
Nữ chiến sĩ biệt động luyện tập diễu binh cho ngày kỷ niệm 50 năm thống
Toàn cảnh Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025: Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm