Đây là chia sẻ của bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Toạ đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 22/4.
"Ngay hôm qua chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ và sẽ rà soát liên tục", bà Hà thông tin.
Cần thiết phải xác định danh tính điện tử người bán hàng
Vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa bị cơ quan Công an phanh phui, qua điều tra, các sản phẩm này chủ yếu phân phối theo kênh bán hàng qua mạng xã hội. Theo bà Lê Thị Hà, nếu xác thực thông tin của người bán hàng qua điện thoại thì tình trạng sim rác vẫn tồn tại, người dân sử dụng sim rác để mở tài khoản, xác thực kết nối với ngân hàng điện tử để mua bán trên mạng. Việc truy cứu rất khó khăn khi sim rác này không còn sử dụng nữa. Một số nền tảng lớn, chỉ xác thực người bán qua OTP điện tử và vẫn bị lạm dụng khi sim rác bị chiếm đoạt bởi người thứ 3.
Theo bà Hà, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã nghiên cứu trình Bộ Công thương hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thương mại điện tử, liên quan đến 5 chính sách, trong đó làm sao để xác thực danh tính điện tử của người bán trên nền tảng thương mại điện tử. Nền tảng thương mại điện tử bao gồm cả mạng xã hội - đây là kênh bán hàng đặc thù và đặc biệt, có thể kết nối người bán với người mua nhanh chóng như livestream bán hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng; hoặc bán hàng không đảm bảo an toàn chất lượng trên nền tảng số.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho hay, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được.
Trong thời gian tới, cần thiết định danh trên môi trường thương mại điện tử để có thể phát triển được, theo bà Hà cần có hai cơ sở.
Thứ nhất, phải tạo được niềm tin số. Niềm tin đến từ người tiêu dùng nhưng muốn có cần phải xuất phát từ sự tin cậy của người bán hàng, sự tin cậy của chủ những nền tảng số. Để có những người bán tin cậy thì người bán hàng mặc dù ở trên môi trường ảo nhưng họ không thể ảo, phải dược định danh.
Bà Hà mong muốn khi niềm tin số được đưa vào luật hóa xác thực danh tính thì người bán trên môi trường ảo sẽ thực tế hơn, kiểm soát thông tin người bán tốt hơn. Thậm chí, khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tháo gỡ hàng hóa, sản phẩm.
Cũng theo bà Hà, ngoài niềm tin số thì có cơ sở sử dụng VNeID, không phải quản lý trên giấy tờ. Đối với những nền tảng xuyên biên giới cần có đầu mối liên hệ với cơ quan chức năng để ngăn chặn hàng hoá ngoài Việt Nam với những nền tảng chưa được Bộ Công thương cấp phép.
"Chúng tôi mong Cục Thương mại điện tử sẽ quản lý số bằng việc yêu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Khi có VNeID, những quy định cụ thể mà được luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ được minh bạch hơn", bà Hà nói.
24 triệu sổ sức khoẻ được kích hoạt, cần định danh nhà thuốc
Chia sẻ về các tính năng của VNeID, Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Bộ Công an) cho biết, đến nay, Cục C06 đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tý lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần năm 2023).
Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức trên VNeID, bởi từ 1/7 tới, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường.

Dự kiến từ 1/7 sẽ triển khai cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài. Sẽ có định danh cá nhân, tổ chức, người nước ngoài và dự kiến 1/7 sẽ triển khai đồng bộ.
Theo Thiếu tá Trần Duy Hiển, app VNeID là app toàn dân, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi. Để VNeID hoạt động an toàn, tiện lợi, đã thực hiện 5 yêu cầu quan trọng gồm pháp lý, dữ liệu, an ninh an toàn, hạ tầng, nguồn lực.
Về tiện ích, hiện nay VNeID đã kết nối với nhà thuốc FPT Long Châu và 1 nhà thuốc khác để chia sẻ dữ liệu, giúp người dân có thể dễ dàng mua thuốc của nhà thuốc trên VNeID, đảm bảo an toàn.
Chia sẻ tại toạ đàm, TS Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, (Bộ Y tế) cho biết, ngành y tế đã triển khai tích hợp giấy chứng sinh, giấy báo tử lên VNeID để phục vụ cho nhóm thủ tục hành chính liên thông, giấy khám sức khỏe phục vụ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe. Đến nay đã có hàng triệu giấy khám sức khỏe gửi lên. Đồng thời, các cơ sở y tế đã thực hiện đón tiếp, khám chữa bệnh cho người dân dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Các bệnh viện cũng triển khai xác thực nhân trắc học, khuôn mặt để đón tiếp bệnh nhân. Ngoài ra, còn triển khai chữ ký số cho bệnh nhân và sẽ được miễn phí trong 1 năm. Việc này, nhằm tiến tới bệnh án điện tử và giúp giải quyết thuận lợi cho người dân. Sắp tới, ngành y tế sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
Ông Viết cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dự khai trương thí điểm liên thông hệ thống điều phối, trao đổi dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với các cơ sở y tế ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bệnh viện Chợ Rẫy với các cơ sở y tế ở Bình Dương, An Giang.
Hiện việc thí điểm tiến hành đến hết tháng 4 và sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, triển khai toàn quốc. Đi kèm với đó sẽ liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả khám chữa bệnh khác.
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Bộ Công an, trực tiếp là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID. Đi liền với đó là phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh và giấy khám lại.
Hiện đã triển khai thành công tại Hà Nội và tiếp tục triển khai trên cả nước. Đến nay 63 tỉnh, thành phố và nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã tham gia vào hệ thống sổ khám sức khỏe điện tử trên VNeID.
Đã có gần 24 triệu sổ sức khỏe điện tử được kích hoạt và sử dụng chính thức với việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh trên 800.000 và gần 3 triệu giấy hẹn khám lại.
Cùng với đó, gần 50 triệu lượt truy cập vào sổ sức khỏe điện tử. Đây là con số rất tích cực và việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, người dân, như tạo sự tiện lợi, truy cập thông tin dễ dàng với các cơ sở y tế, người bệnh. Chia sẻ thông tin, các dữ liệu khám chữa bệnh của người dân mà cơ sở khám sức khỏe muốn khai thác theo phân cấp, phân quyền và người dân có thể dễ dàng theo dõi. Thêm vào đó, khi liên thông như vậy giúp giảm sai sót, quản lý khám chữa bệnh của người dân tốt hơn.

Trước việc quảng cáo thuốc và bán thuốc tràn lan trên mạng, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc của Quốc hội cho biết, người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên VNeID. Đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH cũng cho biết, ứng dụng VNeID vào mua thuốc, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua thuốc tại nhà thuốc một cách an toàn. Hiện nay, mới chỉ bán thuốc không kê đơn trên VNeID.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, hiện nay Luật Dược mới chỉ quy định bán thuốc không kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Trong danh mục của Bộ Y tế quy định hiện nay có trên 80% là thuốc kê đơn, còn thuốc không kê đơn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Do vậy, bà Hà đề nghị để người dân thuận tiện trong việc mua thuốc, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật phù hợp. Đồng thời, cần có các căn cứ, quy định pháp luật như tăng cường kê đơn thuốc điện tử.
Tại Thông tư 04/2022 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc điện tử đã có lộ trình thực hiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như trước 31/12/2022 áp dụng cho các bệnh viện hạng 3 trở lên và đến 30/6/2023 áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng đến nay, việc kê đơn thuốc điện tử còn nhiều hạn chế. Bởi mã bác sĩ, mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mã bệnh nhân cần được cấp tài khoản từ Bộ Y tế.
Theo bà Hà, khi thúc đẩy được kê đơn thuốc điện tử sẽ cho phép bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Khi đó mới là phương thức hoàn thiện dịch vụ tiện lợi cho người dân. Vì vậy, Bộ Y tế cần thúc đẩy, quan tâm ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/ung-dung-vneid-trong-kham-chua-benh-ngan-chan-thuoc-gia-khi-mua-truc-tuyen-i765964/
Bình luận (0)