Cùng dự có: các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo dự án Luật và các bộ, ngành có liên quan.

Trong phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, từ ngày 3 đến 16.4 vừa qua, Ủy ban đã tổ chức Đoàn khảo sát, làm việc tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng và nhiều đơn vị khác để có thêm thông tin trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Để góp phần hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn, các đại biểu phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến đối với các nội dung dự án Luật.
Theo Tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động này; kịp thời thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hợp lý chế độ, chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng, nhất là rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Dự thảo Luật gồm 4 Chương, 26 Điều, cụ thể hóa 3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Đó là, xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách.

Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; nhất trí việc bổ sung đối tượng áp dụng là “cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Khoản 2, Điều 2. Đồng thời, đề nghị làm rõ đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 2: cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào, vì không được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn chính sách của Nhà nước (Điều 7) về vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật; bổ sung quy định về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích cao đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Điều 25 dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với giới tính, thống nhất với quy định của Luật Bình đẳng giới. Bên cạnh đó, rà soát, quy định cụ thể các chính sách quy định tại Điều này tại các chương, mục, điều của dự thảo Luật cho đầy đủ, thống nhất, chặt chẽ và bảo đảm tính khả thi.
Tại Khoản 1, Điều 12 về lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có ý kiến đề nghị bổ sung một điểm quy định chung về lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động này (bao gồm lực lượng trực tiếp và lực lượng gián tiếp); rà soát cụm từ “vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ” để bảo đảm thống nhất.

Có ý kiến đề nghị rà soát Khoản 3, Điều 12 và Khoản 3, Điều 13 về tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc theo hướng, Chính phủ giao cho một cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng dân sự; quyết định phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phù hợp với ngành, lĩnh vực tuyển chọn để bảo đảm tập trung, thống nhất, tránh dàn trải…
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Đỗ Quang Thành đề nghị, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra và tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-va-doi-ngoai-tham-tra-du-an-luat-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-post411185.html
Bình luận (0)