Hồ Long Thủy nhìn từ trên cao, xa xa là núi Bà Rá (phường Phước Long ngày nay). Ảnh: Trương Hiện |
Phạm vi bài bài viết này, chỉ xin dừng lại một góc độ rất khiêm tốn về lịch sử từ vựng địa danh, tính từ thời Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí.
Gần hơn nữa, trong cuốn Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ của chuyên gia tiếng Việt Bùi Đức Tịnh, Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản 2022; trang 33 có đoạn: "Thời Nguyễn Hữu Cảnh (1698) mới vào huyện đặt dinh, xứ Đồng Nai được đặt làm Trấn Biên Dinh chỉ gồm có huyện Phước Long, xứ Thầy Gòn (về sau trở thành Sài Gòn), (…) Phiên Trấn Dinh chỉ gồm có huyện Tân Bình...".
Cũng cần nói thêm là viết chữ Quốc ngữ “phúc” thành “phước” do kỵ húy thời nhà Nguyễn (các đời chúa và vua), còn hình thức chữ Hán (tự dạng), viết như nhau gồm phía trái là bộ thị, phải là chữ nhất, khẩu và điền và duy nhất có chữ phúc/phước này, không có tự dạng đồng âm khác.
Sách Gia Định thành thông chí, bản dịch của Viện Sử học, học giả Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, tồn tại song song hai từ “phúc” và “phước” nhưng Phúc Long phổ biến hơn với tên huyện (trang 103, NXB Giáo dục, 1999), tên phủ, trang 96,156, tên sông, trang 20 và tên thôn, trang 62,113,119. Viết và đọc là Phước Long, trang 21,23, 27,28, sách đã dẫn.
Lấy tên sông để đặt địa danh hành chính và ngược lại là chuyện thường thấy trong lịch sử phát triển tiếng Việt. Vì có huyện/phủ Phước Long nên sông chảy qua xứ này gọi là sông Phước Long/Phước Long giang.
Sông Đồng Nai/Lộc Dã có trước theo cách hiểu cấu tạo từ nguyên dân gian (còn có giả thiết ngờ rằng Đồng Nai/ Đạh Đờng/sông Lớn theo tiếng Mạ của giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn Việt Nam - Cái nhìn địa văn hóa; NXB Văn hóa Dân tộc, 1999, một tồn nghi, là chuyện khác).
Phước Long từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập bộ máy chính quyền phong kiến, quản lý, phát triển và thu thuế, là địa danh hành chính. Cũng xin nói thêm, “long” ở đây trong chữ Hán là “vùng đất hưng thịnh”, chẳng liên quan gì đến “long” là rồng. Thăng Long ban đầu là “rồng bay lên” đến thời Gia Long đổi tự dạng, chữ long có nghĩa là vùng đất hưng thịnh.
Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của học giả Vương Hồng Sển, trang 486 có chú dẫn: Thời Pháp là quận Bà Rá, tỉnh Biên Hòa, là nơi giam chánh trị phạm. Từ năm 1957 tách ra thành thị xã Phước Long thuộc tỉnh Phước Bình. Tác giả còn dẫn, tên cũ Phước Long, là Dỏ Sa(?).
So với Phước Long thì An Lộc và Lộc Ninh có lịch sử từ vựng địa danh ít hơn nhiều. Sách Gia Định thành thông chí có chú An Lộc thôn và An Lộc Tân thôn, An Lộc Đông thôn. Tân (mới), Đông (phương vị, thấy nhiều trong kết cấu địa danh, Tân Đông Hiệp, Hạnh Thông Tây…).
Lộc Ninh là tên huyện sau này, một kết cấu từ lấy theo “ngũ phúc”, phước, lộc, thọ, khang, ninh.
Trong số các tên phường của Đồng Nai mới thuộc Bình Phước (cũ), tên Phước Long có nhiều tư liệu hơn cả, có một nghĩa là tên sông, còn có tên là sông Hòa Quới/ Quý, Lộc Dã, Đồng Nai.
Trần Chiêm Thành
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/vai-ten-phuong-cua-tinh-dong-nai-moi-o-tinh-binh-phuoc-cu-eac28b8/
Bình luận (0)