Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vải thiều Đắk Song tìm đường xuất khẩu

Huyện Đắk Song (Đắk Nông) tiến tới áp dụng quy trình sản xuất quả vải thiều đồng nhất về chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông22/05/2025

Từng được biết đến là vùng đất chủ lực với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, Đắk Song đang từng bước khẳng định tiềm năng mới từ cây vải thiều.

Những nỗ lực từ người dân và chính quyền địa phương đang mở ra cơ hội để loại trái cây này vươn ra thị trường xuất khẩu.

img_5661(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Nuôi ở xã Trường Xuân là người tiên phong trồng vải tại Đắk Song

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Nuôi ở xã Trường Xuân là người tiên phong trồng vải tại Đắk Song. Mạnh dạn đưa 180 cây vải thiều lai lên vùng đất đỏ bazan, ông Nuôi không khỏi trăn trở khi phải mất gần 10 năm để cây vải ổn định và cho trái thương phẩm.

img_5674(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song cùng ông Nuôi chia sẻ về kỹ thuật trồng vải thiều

Dù đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng vải, ông vẫn chưa thể yên tâm với loại cây trồng này bởi biến đổi khí hậu, sâu bệnh và đầu ra thị trường còn bấp bênh.

Hiện tại, ông Nuôi đã mở rộng diện tích lên 2ha với 400 cây, trong đó 320 cây đang cho thu hoạch. Năm vừa rồi, ông thu được hơn 23 tấn quả, năm nay dự kiến khoảng 15 tấn do ảnh hưởng của sâu đầu trái. Giá bán lẻ tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg, trong khi giá tại chợ đầu mối chỉ còn 25.000 đồng/kg.

Video: Ông Nguyễn Văn Nuôi Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng vải Đắk Song chia sẻ khó khăn của đầu ra sản phẩm

“Năng suất vải năm nay giảm, sâu hại nhiều hơn, nhưng nếu có đầu ra tốt thì vẫn là cây trồng có giá trị”, ông Nuôi chia sẻ.

Nhằm phát triển bền vững cây vải, cách đây hơn một năm, Hội Nông dân huyện Đắk Song đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng vải. Ông Nuôi đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng vải của Đắk Song.

Hiện chi hội có 25 thành viên, tổng diện tích hơn 30ha. Đây là bước đi nhằm kết nối, chia sẻ kỹ thuật và hướng tới xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

img_5600(1).jpg
Anh Phan Anh Tha ở xã Nâm N’Jang hiện là nông dân có diện tích trồng vải lớn nhất Đắk Song với 7ha

Anh Phan Anh Tha ở xã Nâm N’Jang, thành viên chi hội có diện tích vườn vải nhiều nhất của Đắk Song với 7ha. Anh Tha hiện có 2.000 cây. Anh bắt đầu trồng vải từ năm 2019, năm nay anh ước thu được khoảng 40 tấn quả.

Theo anh Tha, giá bán tại vườn hiện dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nếu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vải có thể bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg.

“Chúng tôi mong muốn sau vụ này, chi hội sẽ tổ chức gặp mặt, bàn bạc và thống nhất quy trình sản xuất, hướng tới xuất khẩu".

img_5572(1).jpg
Anh Bùi Việt Nga (bên phải) ở xã Trường Xuân sở hữu 1,8ha với 600 cây vải thiều

Tham gia trồng vải khoảng 6 năm, anh Bùi Việt Nga ở xã Trường Xuân sở hữu 1,8ha với 600 cây. Sau ba năm cho thu hoạch, anh nhận định vải là cây trồng tiềm năng, nếu biết kỹ thuật thì không khó để canh tác.

“Tôi học hỏi từ người đi trước như chú Nuôi, anh Tha và cả trên mạng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu thông tin thị trường. Gia đình vẫn phải tự tìm đầu ra, nếu có kênh kết nối tốt thì cây vải sẽ có chỗ đứng lâu dài”, anh Nga chia sẻ.

img_5610(1).jpg
Anh Nguyễn Quang Ấn ở xã Nâm N’Jang vui vẻ chia sẻ với Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Song hy vọng năm nay vải được mùa

Anh Nguyễn Quang Ấn ở xã Nâm N’Jang sở hữu 2,5ha vải với 600 cây chia sẻ vụ mùa của năm trước thất bát vì thời tiết không thuận lợi. Năm nay, anh Ấn kỳ vọng sẽ thu về khoảng 15 tấn quả.

img_5645(1).jpg
Tuy nhiên, anh Ấn cũng lo lắng bởi kỹ thuật chăm sóc chưa tốt, trong vườn vẫn có cây ra rất ít quả

Theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song, hiện nay các vườn vải trong huyện vẫn canh tác theo hướng nhỏ lẻ, chưa có sự đồng đều về chất lượng.

“Điều này khiến sản phẩm khó đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu. Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ chi hội, các thành viên học tập mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương khác, hướng đến tổ chức sản xuất theo chuỗi để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế”, ông Anh cho biết.

Video: Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song chia sẻ giải pháp hướng tới xuất khẩu vải thiều

Việc từng bước xây dựng thương hiệu “vải Đắk Song” không chỉ là mong muốn của nông dân mà còn là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, hội nông dân đến doanh nghiệp và người trồng vải, nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, mở rộng liên kết và xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Nguồn: https://baodaknong.vn/vai-thieu-dak-song-tim-duong-xuat-khau-253276.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm