Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học, nghệ thuật Nam Định tiếp nối mạch nguồn văn hóa

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - “hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển”. Kể từ ngày đất nước thống nhất, Nam Định - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong sự nghiệp văn học nghệ thuật (VHNT). Mặc dù có những khó khăn, thách thức trong bối cảnh xã hội và đất nước thay đổi nhưng nền VHNT của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, phản ánh được những giá trị cốt lõi của cuộc sống, con người, quê hương, đất nước.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định25/04/2025

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, quê hương Nam Định đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa tiêu biểu, có đóng góp quan trọng, tạo vị thế xứng đáng trong nền VHNT chung của cả nước với những tác phẩm, công trình sáng tác, nghiên cứu VHNT nổi tiếng, có sức sống lâu bền trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc và thế giới, thể hiện sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các văn nghệ sĩ trong việc phản ánh những thay đổi của xã hội và những cảm xúc, khát vọng của con người.

Tiết mục hát văn Nam Định quê tôi.
Tiết mục hát văn "Nam Định quê tôi".

Tại Hội thảo “50 năm nền VHNT tỉnh Nam Định sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)” vừa qua do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp Hội VHNT tỉnh tổ chức có sự tham gia của các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cùng đông đảo các văn nghệ sĩ của tỉnh. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những đóng góp quan trọng của VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; tiếp tục cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ phát huy tài năng, tâm huyết sáng tạo để sáng tác những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, quảng bá, giới thiệu đến công chúng. Các tham luận, trao đổi và thảo luận của các đại biểu tại hội thảo đã đưa ra những đánh giá, nhìn lại những cột mốc, dấu ấn quan trọng, đầy tự hào về chặng đường phát triển rực rỡ của nền VHNT Nam Định trong suốt nửa thế kỷ qua với những dấu ấn đóng góp quan trọng, riêng có cho VHNT nước nhà; phản ánh những giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc của địa phương thông qua những tác phẩm, công trình VHNT thể hiện sức sống mạnh mẽ, lâu bền của nền văn hoá dân tộc.

Đồng chí Vũ Đức Thọ, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày đề dẫn tại Hội thảo.
Đồng chí Vũ Đức Thọ, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày đề dẫn tại Hội thảo.

"Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Vũ Đức Thọ, TUV, Giám đốc Sở VH, TT và DL nêu rõ: “50 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực sáng tạo các tác phẩm VHNT giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng; từ đó làm phong phú thêm cho sự nghiệp VHNT tỉnh nhà, tạo vị thế xứng đáng trong nền VHNT Việt Nam. Các văn nghệ sĩ là những người đã và đang tạo ra những tác phẩm có giá trị, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, cũng như những trăn trở, khát vọng đổi mới của quê hương, đất nước. Từ những tác phẩm văn học đặc sắc, những buổi biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, đến những sáng tạo trong các lĩnh vực: mỹ thuật, điện ảnh và âm nhạc, VHNT Nam Định đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa tinh thần cho người dân Nam Định và cả nước; đồng thời xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, tinh thần nhân văn của dân tộc.

Để VHNT tỉnh Nam Định phát triển và đáp ứng những yêu cầu mới, với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và nhân văn, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của quê hượng văn hiến Nam Định”, VHNT tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và các loại hình sáng tác; tổ chức hiệu quả các chuyến đi thực tế, tham dự các trại sáng tác VHNT của Trung ương, của tỉnh và các bộ môn nhằm tạo cảm hứng sáng tác cho hội viên; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho hội viên; huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động VHNT; xây dựng quy chế quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT theo từng giai đoạn hợp lý để đầu tư cho các tác phẩm, công trình VHNT chiều sâu; tập trung phát triển các kênh giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT đến công chúng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển VHNT trong thời kỳ mới”.

Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định. 
Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định. 

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, kinh tế nước ta chịu muôn vàn áp lực, cuộc sống nhân dân rất khó khăn nhưng đời sống xã hội vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan. Điều đó được thể hiện mãnh liệt qua những bài hát nổi tiếng như: “Qua bến Đò Quan” của Nhạc sĩ Thái Cơ, “Mùa xuân trên thành phố Dệt” của Nhạc sĩ Trần Chung. Cả 2 bài hát suốt mấy thập kỷ sau đó vẫn luôn vang vọng trên sóng phát thanh, truyền hình, lan tỏa khắp các làng xóm, phố phường. Tinh thần lạc quan tràn đầy ý chí cách mạng được các nhạc sĩ Phủ Thiên Trường xưa nối tiếp, viết nên những tác phẩm thấm đẫm tình yêu đất nước, ca ngợi cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, tự do, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương tươi đẹp.

Đặc biệt, khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới thì âm nhạc Nam Định phát triển mạnh mẽ cả về số lượng tác giả, tác phẩm cũng như về chất lượng nghệ thuật. Đó là những sáng tác: “Khúc ca Nam Định”, “Quê ta thành phố Dệt”, “Hạt muối quê mình”, “Miền xuân quê hương”, “Đường vào ca ba”, “Thịnh Long biển nhớ”… của các tác giả thế hệ đi trước: Nguyễn Hữu Thắng, Trần Viết Được, Bùi Thanh Bình, Vũ Đình Thành, Hoàng Lai, Đình Quảng, Văn Thấu, Xuân Huấn… Các nhạc sĩ đã để lại cho Nam Định tình yêu quê hương thắm thiết qua những bài ca, giai điệu còn lưu dấu trên những trang sách và trong nỗi nhớ bao người. Các tác phẩm âm nhạc được các nghệ sĩ trình diễn trên các loại hình sân khấu từ chuyên nghiệp đến quần chúng, tuyên truyền, giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình tới công chúng yêu âm nhạc. Qua việc biểu diễn trên sân khấu phục vụ nhân dân, khán giả cả nước đã biết đến giọng hát Văn, hát Chèo nổi tiếng như NSND Kim Liên hay tiếng đàn nguyệt điêu luyện của NSND Thế Tuyền, giọng ca nữ - nghệ sĩ Thục An từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Và sau đó là các nghệ sĩ thế hệ ngày nay như: Tuyết Lành, Hồng Vân, NSƯT Thúy Quỳnh…”.

Đạo diễn, NSƯT Đào Quang, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định.
Đạo diễn, NSƯT Đào Quang, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định.

"VHNT là nòng cốt của một nền văn hóa, góp phần hun đúc lên nhân cách con người Việt Nam nói chung, người Nam Định nói riêng, luôn hướng tới các giá trị chuẩn mực “chân, thiện, mỹ” và “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Các thế hệ văn nghệ sĩ Nam Định 50 năm qua đã sáng tác, xuất bản, quảng bá tới công chúng, bạn đọc, khán giả một khối lượng tác phẩm VHNT đồ sộ. Các nhà văn đi tiên phong trong đổi mới văn học như: Chu Văn, Kim Ngọc Diệu, Trần Kim Lung, Trần Quốc Tiến, Hữu Anh, Bùi Ngọc Dĩnh, Lưu Tuấn Hùng, Nguyễn Kỳ Khôi, Đặng Huy Hải Lâm... Tiếp bước thế hệ đi trước, đội ngũ những người viết văn giai đoạn mới đã trưởng thành và có được những dấu ấn, kết quả nổi bật như: Mai Tiến Nghị, Lã Thanh An, Nguyễn Duy Dương, Vũ Ngọc Khánh, Phạm Thị Hồng Loan, Đặng Hồng Nam, Lê Thị Hà Ngân, Nguyễn Văn Soạn, Vũ Minh Xuyến...

Thành tựu thơ Nam Định từ năm 1975 đến nay có nhiều đổi mới, phong phú về thể tài, đa dạng, đa chiều về ý tứ, cảm xúc ngôn ngữ thơ. Tiêu biểu là các nhà thơ đã thành danh: Đoàn Văn Cừ, Vũ Quốc Ái, Phạm Như Hà, Phạm Trọng Thanh, Phạm Trường Thi, Đỗ Phú Nhuận, Thế Hùng, Trần Đắc Trung, Bùi Công Tường, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Thế Kiên, Vũ Công Đoàn, Phạm Ngọc Quang, Trần Văn Lợi, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Hồng Giang…

Sân khấu Nam Định từ năm 1975 đến nay đã làm thay đổi đời sống văn hóa, văn nghệ quê hương, khiến cho sân khấu trở thành một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với hiện thực cuộc sống xã hội, trong đó khát vọng nhân bản của người nghệ sĩ đã hòa đồng cùng trách nhiệm của người công dân. Những vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc, sự lỗi thời của cơ chế quản lý cũ, sự xuất hiện của những mô hình sản xuất mới, vấn đề chống tiêu cực trong mọi lĩnh vực, đấu tranh đẩy lùi nạn tham nhũng, tệ quan liêu cửa quyền, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, sự đổi mới của đất nước, bắt đúng mạch những vấn đề của cuộc sống, ca ngợi công cuộc kháng chiến của dân tộc đã được các vở diễn đề cập, phản ánh khai thác một cách triệt để ở mọi góc cạnh. 50 năm qua, các thế hệ tác giả, đạo diễn, diễn viên tỉnh nhà đã khẳng định được tài năng, để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng khán giả, các nghệ sĩ luôn sáng tạo, làm nên những vở diễn, hình tượng sống động dưới ánh đèn sân khấu trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khu vực và giành được nhiều giải thưởng, huy chương cao quý”.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Hai nhà thơ nổi tiếng quê hương Nam Định - Trần Dần, Văn Cao thuộc lớp những văn nghệ sĩ xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng của văn nghệ Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Giống như các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm... về cơ bản, có thể coi các ông là những văn nghệ sĩ được trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, các ông là những người chủ trương những cách tân mạnh mẽ của nền thơ Việt Nam.

Trần Dần và Văn Cao thuộc về một thái cực những nhà thơ chịu một lực hút rất mạnh về phía đô thị và ở thái cực bên kia - người bạn thơ “cùng một lứa bên trời lận đận” của các ông là nhà thơ Hoàng Cầm lại bước chân vào thơ kháng chiến bằng giấc mơ sông Đuống với tác phẩm “Bên kia sông Đuống”. Tất cả các bản thảo thơ của hai nhà thơ Trần Dần và Văn Cao đều chỉ được xuất bản sau 1986. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, những cách tân thơ ca vẫn được các ông tiếp tục theo đuổi và tạo nên một trường ảnh hưởng trong đời sống văn chương.

Sự kiện năm 1975 vừa là một sự hoàn tất của một quá trình đấu tranh cách mạng nhưng cũng là một sự khởi đầu của một tiến trình kéo dài suốt 11 năm. Thống nhất đất nước mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) để thực hiện trọn vẹn mục tiêu của cả dân tộc: một quốc gia thịnh vượng, độc lập và tự do. Sau 30 năm, những “sổ bụi” (tác phẩm thơ) của hai tác giả Trần Dần và Văn Cao được xuất bản. Bản thân các tác giả đã nhận được sự vinh danh xứng đáng. Sự vinh danh đó giống như trường hợp của các nhà thơ: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung, Phùng Quán ở những mức độ khác nhau, góp phần làm cho di sản của các ông có thể tái hòa nhập một cách chính thức với đời sống văn nghệ Việt Nam đương đại và ảnh hưởng đến không ít văn nghệ sĩ thế hệ sau. Có thể coi một trong những thành tựu của 50 năm VHNT chính là sự mở rộng những chân trời thơ ca nghệ thuật, tái kết nối và khơi mở những nguồn mạch từng nhiều năm khuất lấp của đời sống văn nghệ Việt Nam.

Bài và ảnh: Khánh Dũng (ghi)

 

Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/van-hoc-nghe-thuat-nam-dinh-tiep-noi-mach-nguon-van-hoa-ff17ef7/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm