Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học thiếu nhi khởi sắc

Từ đầu năm nay, thị trường sách thiếu nhi đã đón nhận hàng loạt ấn phẩm mới từ các cây bút quen thuộc và cả những tác giả trẻ. Mùa hè có tuyết (Trần Gia Bảo), Trái tim của đảo (Hồ Huy Sơn), Xám Ngố đi thành phố (Bùi Tiểu Quyên), Trang trại cuối rừng và Xóm thiên đường (Phạm Công Luận)... là những tác phẩm tiêu biểu cho mùa sách thiếu nhi năm 2025.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa22/04/2025

<br>
 

Đáng chú ý, các tác phẩm không chỉ tập trung ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà còn ghi nhận đóng góp đáng kể từ các tác giả địa phương. Tại Bình Định, nhà văn Mộc An - người từng đạt giải ba Giải thưởng sách quốc gia - đã ra mắt hai truyện mới: Cậu bé tròn xoe và con ma thích ăn gà ránNgười thầy một nửa ma. Tại Phú Yên, cây bút trẻ Lê Pha Lê trình làng Bù Tọt xách va ly… Được biết, sắp tới đây nhiều cuốn sách của các tác giả khác sẽ ra mắt để chào đón mùa hè, dịp vui chơi giải trí của các em.

Không chỉ là mùa của sách, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ sáng tác. Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam thời gian qua đã tổ chức nhiều trại viết tại các địa phương như: Bảo Lộc, Nam Đàn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… tạo điều kiện cho các cây bút giao lưu, học hỏi và phát triển tác phẩm. Hai cuộc thi quy mô lớn: Giải thưởng Kim Đồng của Nhà xuất bản Kim Đồng và Cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi 2024 - 2025 sẽ cùng trao giải trong mùa hè năm nay, hứa hẹn tạo ra thêm nhiều tác phẩm chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khởi sắc, văn học thiếu nhi vẫn còn đối diện với những tồn tại. Trong khi hơn 100 nhà văn vẫn miệt mài sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi thì số lượng đầu sách được xuất bản mỗi năm lại vô cùng khiêm tốn. Lý do, theo phân tích từ giới xuất bản, nằm ở yếu tố “bắt nhịp thị trường”, không phải cây bút nào cũng tạo ra được tác phẩm phù hợp với thị hiếu và tâm lý bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay. Có một thực tế là những tác phẩm được in đều mang đậm tinh thần hiện đại, có tính kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ sống động và nhắm trúng những vấn đề trẻ thơ quan tâm. Những tác giả thành công là người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong môi trường báo chí thiếu nhi, hoặc có khả năng quan sát và đồng hành sâu sát với trẻ nhỏ. Đây là điều không dễ đạt được nếu chỉ đơn thuần sáng tác từ trí tưởng tượng cá nhân.

Để phát triển văn học thiếu nhi theo hướng bền vững, cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các tác giả viết cho thiếu nhi, thông qua các quỹ tài trợ, chương trình đặt hàng sáng tác hoặc mô hình xuất bản hợp tác công - tư, nhằm giảm áp lực thị trường cho những tác phẩm có giá trị nhưng khó tiếp cận độc giả đại chúng. Các nhà xuất bản tiếp tục cải tiến quy trình tuyển chọn, biên tập và phát hành sách thiếu nhi, tăng cường liên kết với trường học, thư viện và cộng đồng địa phương để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc nhí. Về phía người viết, cần liên tục học hỏi, đổi mới tư duy sáng tác, chủ động cập nhật tâm lý lứa tuổi thiếu nhi trong bối cảnh công nghệ và truyền thông số phát triển nhanh chóng. Viết cho trẻ không thể chỉ dừng ở giọng văn nhẹ nhàng hay câu chuyện ngộ nghĩnh, mà còn cần sự sâu sắc, sáng tạo và cả trách nhiệm định hướng. Gia đình và nhà trường cần tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ, để sách không trở thành lựa chọn thứ yếu trước các thiết bị số.

Văn học thiếu nhi đang bước vào một mùa mới với nhiều tín hiệu đáng mừng. Song, để duy trì được đà phát triển này và thực sự trở thành bệ đỡ tinh thần cho thế hệ tương lai, cần có sự chung tay của toàn xã hội; trong đó người viết được tạo điều kiện, người đọc được dẫn dắt, và sách thiếu nhi phải được coi như một phần thiết yếu của văn hóa quốc gia.

DƯƠNG MY ANH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/van-hoc-thieu-nhi-khoi-sac-657240f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm