Bài 2: Ở hai bờ giới tuyến
Chúng tôi có mặt ở hai bên bờ sông Bến hải, hai đầu cầu hiền Lương khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Vết thương chiến tranh vẫn còn in đậm trên 2 bờ giới tuyến làm cho ta càng thêm trân quý giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay.
Thành cổ Quảng Trị đau thương mà anh dũng
Di tích lịch sử cầu hiền Lương
Rời TP.Đà Nẵng đi Huế, chúng tôi không chọn cách đi nhanh qua hầm chui Hải Vân mà leo đèo, tuy hiểm trở, mất nhiều thời gian nhưng có sự trải nghiệm thú vị, nhất là được ngắm TP.Đà Nẵng, biển Sơn Trà từ trên đỉnh đèo.
Dừng chân trên đỉnh Hải Vân Quan mới được tôn tạo khá đẹp, ngắm cảnh núi cao, rừng xanh, biển trời cao rộng, từng đoàn khách du lịch dừng lại check-in, tôi càng thêm tự hào đất nước mình quá đẹp và hiểu ngành Du lịch nước ta đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
TP.Huế đón chúng tôi bằng cơn mưa phùn kéo dài và cây cầu mới bắc qua sông Hương mang tên Nguyễn Hoàng, vị Chúa Tiên có công khai mở nước Đại Việt, đặt nền móng cho triều đại nhà Nguyễn sau này. Với quyết tâm hoàn thành cây cầu để chào mừng kỷ niệm 50 năm, đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ và xây xong cầu Nguyễn Hoàng vào ngày 26/3/2025, đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng TP.Huế, vượt tiến độ gần 9 tháng.
Cầu Nguyễn Hoàng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng được kỳ vọng giúp hoàn thiện hệ thống giao thông nội đô, chống ùn tắc, là động lực phát triển kinh tế của TP.Huế. Nửa ngày ở Huế đủ để chúng tôi trải nghiệm các danh thắng: Thành nội, chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, Quốc học Huế, cầu Tràng Tiền, thôn Vỹ Dạ.
Buổi tối đứng bên sông Hương nghe giọng hò Mái đẩy cất lên từ dưới thuyền, tôi cảm nhận điệu hò không còn buồn thảm như đã từng mà tươi vui theo cuộc sống mới.
Từ Huế đi Quảng Trị tuy chưa có đường cao tốc nhưng đoạn Quốc lộ 1 này đã được nâng cấp thật tốt, xe chạy không chậm hơn cao tốc là bao. Dấu tích chiến tranh vẫn còn hằn sâu ở vùng đất đạn bom Quảng Trị, nhiều quán xá, nhà dân còn dùng cả vỏ bom để làm hàng rào. Và hình ảnh đậm dấu ấn đạn bom chiến tranh nhất, không thể đâu khác, đó chính là Thành cổ Quảng Trị.
Chúng tôi đến Thành cổ cùng lúc có nhiều đoàn cựu chiến binh, học sinh, Đoàn Thanh niên,... từ nhiều nơi cũng đến tham quan, nhờ vậy mà được “nghe ké” thuyết minh phục vụ các đoàn. Thành Quảng Trị được xây dựng thời Gia Long.
Ban đầu thành được đắp bằng đất, đến năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành hơn 2.000 mét, cao hơn 4 mét, bao quanh có hệ thống hào.
Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 giữa lực lượng của quân giải phóng miền Nam Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và B-52 ném bom của quân đội Mỹ.
Sau trận đánh, toàn bộ Thành cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Đây là trận đánh gây thiệt hại nặng cho cả hai bên và là trận đánh khốc liệt nhất toàn bộ cuộc chiến, ước tính hơn 3.000 quân giải phóng đã hy sinh trong cuộc đối đầu tại Thành cổ.
Hiện nay, tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn những di vật và những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh này. Cách Thành cổ vài trăm mét về phía Bắc là dòng sông Thạch Hãn, nơi quân giải phóng phải bơi qua để tiếp viện cho Thành cổ, nhiều người hy sinh trên sông: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm (Lê Bá Dương).
Qua cầu Hiền Lương
Rời Thành cổ, đi tiếp qua TP.Đông Hà, trước mắt chúng tôi là cây cầu lịch sử từng nối đôi bờ giới tuyến - cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, dòng sông đã chia cắt đất nước suốt 21 năm đau thương! Bây giờ đã có cây cầu bêtông trên Quốc lộ 1, kề bên cầu sắt cũ nhưng mỗi người dân đất Việt và du khách nước ngoài khi đến đây đều muốn tự đi bộ qua cây cầu sắt nhỏ, hẹp Hiền Lương năm nào vẫn tồn tại như là chứng tích cho một giai đoạn bi tráng của đất nước.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), Hiệp định Geneve được ký kết đã lấy vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải làm vùng giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc. Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đã từ chối hiệp thương, phá hoại tổng tuyển cử. Nước Việt Nam bị chia cắt lâu dài, dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương đã là "nhân chứng" cho nỗi đau chia cắt đất nước, chia ly biết bao gia đình phải gánh chịu.
Vào tham quan nhà trưng bày, mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật đều gắn với câu chuyện về một thời đau thương, hào hùng, gắn với nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc suốt gần 21 năm và tỏa sáng niềm tin, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc.
Bước đi trên cầu Hiền Lương năm xưa, tôi như thấy ở bên kia cầu, người vợ đang dõi mắt về phương Bắc trông chồng; còn bên này cầu, người chồng hướng về phương Nam đang oằn mình trong khói lửa chiến tranh.
Ngã ba Đồng Lộc bất tử
Rời cầu Hiền Lương, chúng tôi đi tham quan hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) trước khi kết thúc ngày thứ tư cuộc hành trình ở một nơi không thể không đến: Ngã ba Đồng Lộc. Đã 57 năm trôi qua nhưng câu chuyện hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) nơi đây vẫn làm tự hào và thổn thức bao trái tim.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Do vị trí trọng yếu của Ngã ba Đồng Lộc, quân đội Hoa Kỳ đã tập trung ném bom nhằm cắt đứt con đường huyết mạch hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc
Ngày ấy, tại Ngã ba Đồng Lộc có một tiểu đội TNXP gồm 10 cô gái trẻ có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Ngày 24/7/1968, như mọi ngày, 10 cô gái TNXP đến đây làm nhiệm vụ. Trong trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, có những quả đã rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các cô đang tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lấy chồng.
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành "địa chỉ đỏ", nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam, hàng năm, có hàng triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ.
Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự "thay da, đổi thịt" của một vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết” mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Danh sách các liệt sĩ thanh niên xung phong tỉnh Long An tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP gây xúc động mạnh với những người đến viếng. Nhà bia tưởng niệm ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sĩ TNXP là trang sử hào hùng và bi tráng về một thế hệ TNXP không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Thật bất ngờ, xúc động khi trên bia ghi danh anh hùng liệt sĩ TNXP, tôi đọc thấy tên tuổi của gần 100 liệt sĩ TNXP tỉnh Long An, những người đã hiến cả tuổi xuân cho quê hương Trung dũng, kiên cường và phục vụ các chiến trường gần xa.
Tôi dừng lại lâu ở nơi còn lưu giữ nguyên trạng mấy chục hố bom lớn nhỏ mà đối phương đã rải xuống Ngã ba Đồng Lộc năm xưa, bên cạnh những trái bom lép cắm một nửa xuống đất. Các hố bom rộng cả chục mét, chỉ cách nhau 5-7 mét, từng hàng ngày, hàng giờ thả xuống “vùng đất chết” này. Vậy mà bom đạn vẫn không thể khuất phục được ý chí của các anh chị, của dân tộc Việt Nam. Kể cả khi chết đi, 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc vẫn tiếp tục đóng góp vào chiến thắng vĩ đại 30/4/1975!/.
(Còn tiếp)
Nguyễn Phấn Đấu
Bài 3: Đây Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa
Nguồn: https://baolongan.vn/vet-nang-xuyen-viet-o-hai-bo-gioi-tuyen-bai-2--a195109.html
Bình luận (0)