Met Gala là sự kiện gây quỹ thường niên cho Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Met) tại New York, Mỹ. Năm nay, giá vé cá nhân lên tới 75.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng), trong khi một bàn tiệc có giá khởi điểm là 350.000 USD (khoảng 9 tỷ đồng).
Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng có thể tham dự sự kiện này. Ngay cả khi các thương hiệu thời trang lớn mua bàn tiệc, danh sách khách mời vẫn phải được Anna Wintour - Tổng biên tập tạp chí Vogue và chủ tịch sự kiện - phê duyệt. Điều này đảm bảo rằng, chỉ những cá nhân phù hợp với tinh thần và tiêu chí của sự kiện mới được mời.
Dàn sao tụ họp tại Met Gala 2025 (Biên dựng: Tiến Bùi).
Tiêu chí lựa chọn khách mời phản chiếu sự khắt khe của Anna Wintour
Trước mỗi mùa Met Gala, đội ngũ tổ chức - bao gồm các biên tập viên Vogue và các nhà hoạch định chiến lược văn hóa - sẽ biên soạn danh sách hàng trăm cái tên tiềm năng. Anna Wintour sẽ trực tiếp xem xét và quyết định ai là những người cuối cùng có được vinh dự bước chân lên thảm đỏ Bảo tàng Met.
Trước đại dịch, Met Gala từng tiếp đón khoảng 700-800 khách. Kể từ năm 2022, con số này giảm mạnh xuống còn khoảng 400 người để đảm bảo tính riêng tư và phù hợp với không gian trưng bày nghệ thuật của bảo tàng.

Anna Wintour là người phê duyệt danh sách khách mời mỗi năm tại Met Gala (Ảnh: Getty).
Không có công thức nào đảm bảo để được mời đến Met Gala. Danh sách này thường bao gồm những ngôi sao hàng đầu, nhà thiết kế danh tiếng, nghệ sĩ có ảnh hưởng và các nhân vật nổi bật trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, chính trị...
Không chỉ dựa trên danh tiếng, việc được mời tham dự còn phụ thuộc vào sự phù hợp với chủ đề của năm và khả năng đóng góp vào không khí chung tại sự kiện. Ngay cả những người nổi tiếng cũng có thể bị từ chối nếu không đáp ứng được các tiêu chí này.
Nếu các buổi tiệc gây quỹ khác chỉ cần quyên góp đủ tiền là có thể tham gia thì Met Gala lại khắt khe hơn nhiều. Tiêu chí chọn lọc thường bí ẩn, có thể liên quan đến thành tựu nổi bật hoặc sức ảnh hưởng văn hóa - những điều chỉ Wintour hiểu rõ.

Gu thời trang tại Met Gala là yếu tố quan trọng để được mời tham dự trong các năm tiếp theo (Ảnh: Getty).
Trái với nhiều suy đoán, Tổng biên tập Vogue Anna Wintour từng thẳng thắn phủ nhận việc bà trực tiếp "duyệt" từng bộ trang phục mà các ngôi sao mang tới Met Gala. Trong buổi trò chuyện với Michael Strahan trên chương trình Good Morning America trước thềm Met Gala 2025, Wintour mỉm cười và nói "Không" khi được hỏi về vấn đề này.
Tuy vậy, bà thừa nhận, bà đôi khi đưa ra lời khuyên nếu được hỏi và bản thân cũng không ít lần bất ngờ trước lựa chọn trang phục của các khách mời.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết, mặc dù không có quy định chính thức, tuân thủ chủ đề và gu thẩm mỹ của Met Gala là yếu tố quan trọng để được mời tham dự vào những năm tiếp theo.
Việc được Anna Wintour đồng ý mời tham dự không chỉ là vinh dự, mà còn là bằng chứng cho thấy bạn đang đứng trong tâm điểm ảnh hưởng của văn hóa đại chúng. Đó là lý do vì sao Met Gala không chỉ là thời trang, mà còn là quyền lực.
Giá trị không dừng lại ở mức giá "trên trời"
Ngay cả khi được Anna Wintour chấp thuận đưa vào danh sách khách mời, bạn vẫn phải trả một khoản phí không nhỏ để tham dự. Năm nay, giá vé cá nhân đã tăng vọt lên 75.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng) - cao hơn 30% so với mức 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) vào năm ngoái.
Đối với các công ty thời trang, nhà thiết kế hoặc thương hiệu, việc mua một bàn tiệc - thường để quảng bá hình ảnh và mời người đại diện thương hiệu đi cùng - có giá khởi điểm là 350.000 USD (khoảng 9 tỷ đồng).

Các thương hiệu thời trang thường phải chi vài tỷ đồng để mua một bàn tiệc tại Met Gala (Ảnh: X).
Dẫu vậy, điều này không đồng nghĩa với việc họ có toàn quyền quyết định ai sẽ ngồi cùng bàn. Việc sắp xếp chỗ ngồi, giống như danh sách khách mời, đều phải được Anna Wintour đích thân xem xét và phê duyệt. Đây là bước đi nhằm duy trì sự tinh lọc, tính biểu tượng và giá trị mạng lưới tại sự kiện thời trang uy tín nhất hành tinh.
Dù mức giá vé cao ngất ngưởng, phần lớn người nổi tiếng thực tế lại không tự chi trả để tham dự Met Gala. Thay vào đó, họ thường là khách mời của các nhà mốt hoặc thương hiệu lớn - những bên đã bỏ tiền mua bàn và có chiến lược truyền thông rõ ràng.
Trong vai trò đại sứ thương hiệu, người nổi tiếng sẽ diện trang phục do nhà thiết kế đích thân thực hiện theo đúng chủ đề của năm và thường cùng nhà thiết kế sải bước trên thảm đỏ Bảo tàng Met.
Khoảnh khắc này là điểm nhấn thị giác cho giới truyền thông và mang ý nghĩa thương mại sâu sắc, khi tên tuổi nghệ sĩ cùng thương hiệu thời trang song hành - cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa biểu tượng.
Không giống nhiều sự kiện thảm đỏ thông thường, Met Gala đặt ra hàng loạt quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ không gian nghệ thuật và giữ gìn sự trang trọng tuyệt đối.

Việc sắp xếp chỗ ngồi cho từng nhân vật cũng được tính toán kỹ lưỡng (Ảnh: Instagram nhân vật).
Trước hết, việc sử dụng điện thoại di động và chụp ảnh selfie trong sự kiện bị cấm hoàn toàn. Đây là cách ban tổ chức đảm bảo tính riêng tư, đồng thời giúp khách mời tập trung thưởng thức nghệ thuật thay vì đăng bài lên mạng xã hội.
Hành vi hút thuốc hay chạm vào các hiện vật trong bảo tàng cũng nằm trong danh sách cấm vì không gian tổ chức vốn là một phần của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan danh tiếng.
Thậm chí, việc sắp xếp chỗ ngồi cũng được tính toán kỹ lưỡng. Các cặp đôi nổi tiếng hay người thân thường không được ngồi cạnh nhau. Mục tiêu là khuyến khích khách mời mở rộng mối quan hệ và giao lưu sâu hơn trong giới nghệ thuật - thời trang.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/vi-sao-nhieu-ngoi-sao-noi-tieng-chi-vai-ty-dong-van-khong-duoc-du-met-gala-20250513092509597.htm
Bình luận (0)