Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam bảo vệ và vận động ghi danh di sản

VHO - Từ ngày 5-17.7 tại trụ sở UNESCO, Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) diễn ra Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, thu hút sự tham dự của hơn 190 quốc gia thành viên Công ước Di sản Thế giới 1972.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa09/07/2025

Việt Nam bảo vệ và vận động ghi danh di sản - ảnh 1
Phái đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới

Phái đoàn Việt Nam tham dự sự kiện với sự hiện diện của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ngoài ra, đoàn còn có đại diện từ các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL cùng các đoàn của các tỉnh có Di sản Thế giới tại Việt Nam.

Kỳ họp lần thứ 47 là sự kiện thường niên quan trọng nhất của Ủy ban Di sản Thế giới - UNESCO, ngoài sự góp mặt của hơn 190 quốc gia thành viên còn có sự tham dự của các tổ chức tư vấn quốc tế như Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS), Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về bảo tồn và phục hồi tài sản văn hóa (ICCROM), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Di sản Thế giới (WHC) của UNESCO.

Kỳ họp tập trung đánh giá tình hình bảo tồn các di sản thế giới, thảo luận về việc công nhận di sản mới và cập nhật định hướng, khuyến nghị của UNESCO trong bối cảnh toàn cầu đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đô thị hóa và xung đột.

Kéo dài gần hai tuần, Kỳ họp lần này đặc biệt có ý nghĩa khi Ủy ban Di sản Thế giới sẽ xem xét đề cử khoảng 30 di sản mới để được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới và mở rộng hai di sản đã có trong danh sách.

Theo đó, 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới sẽ quyết định những di sản nào sẽ được bổ sung vào Danh sách Di sản Thế giới, đồng thời thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến bảo tồn và quản lý các di sản hiện có đang bị đe dọa.

Một trong những trọng tâm của kỳ họp là đánh giá tình trạng bảo tồn của 248 di sản đã được công nhận, trong đó có cả những di sản nằm trong Danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ. Bên cạnh đó, kỳ họp cũng sẽ đề ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ các di sản này khỏi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hoạt động con người và các yếu tố khác.

Kỳ họp lần này được điều hành bởi Ban Chủ tịch do giáo sư Nikolay Nenov, đến từ Bulgaria, làm Chủ tịch, bà Joelle Bucyana (Rwanda) giữ vai trò Thư ký, cùng các Phó Chủ tịch đến từ Bỉ, Mexico, Qatar, Hàn Quốc và Zambia, với sự hỗ trợ tài chính từ Cộng hòa Bulgaria. Bên cạnh các phiên họp chính thức, kỳ họp lần thứ 47 còn diễn ra nhiều sự kiện bên lề quan trọng nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Việt Nam bảo vệ và vận động ghi danh di sản - ảnh 2
Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới

Bên cạnh các phiên họp chính thức, Kỳ họp còn tổ chức nhiều sự kiện bên lề nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản gồm: Hội thảo và tọa đàm với chuyên đề “Xây dựng năng lực để cải thiện quản lý Di sản Thế giới”, “Sử dụng Công ước Di sản Thế giới để thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming - Montreal”, “Phân tích khoảng trống Di sản Thế giới được cập nhật” và sự kiện “Ra mắt phiên bản cập nhật Nền tảng bản đồ trực tuyến Di sản Thế giới” do Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tổ chức.

Cũng tại Kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Xây dựng sự tham gia của các dân tộc bản địa trong khuôn khổ Công ước Di sản Thế giới”, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng tiếng nói của cộng đồng bản địa trong công tác bảo tồn di sản.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Ủy ban Di sản Thế giới sẽ xem xét tình trạng bảo tồn một số Di sản của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, Tràng An - Ninh Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Trị. Đồng thời xem xét hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và xem xét ghi danh Di sản Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muồn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào như là một phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

Tham dự Kỳ họp, phái đoàn Việt Nam ngoài lãnh đạo Bộ, ngành còn có sự tham gia của các tỉnh, thành với trọng trách cùng phối hợp giải trình, góp phần làm rõ thêm những nội dung mà Ủy ban Di sản Thế giới quan tâm.

Trong đó, đoàn của tỉnh Quảng Ninh do Trưởng ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Dương làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh; lãnh đạo và chuyên viên các Sở, ngành, các nhà khoa học nhằm nắm bắt các chủ trương mới của UNESCO về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới; bảo vệ quyền lợi của Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long; báo cáo và giải trình các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà thuộc trách nhiệm của tỉnh.

Đồng thời, đoàn cũng sẽ trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quản lý, bảo vệ di sản thế giới từ các quốc gia thành viên, tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế để quản lý, bảo tồn di sản bền vững và quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh tới các quốc gia tham dự kỳ họp. Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của phái đoàn Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng là bảo vệ và vận động ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách Di sản Thế giới. Đoàn công tác của TP Huế do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân làm Trưởng đoàn vận động ghi danh di sản liên quốc gia Việt - Lào: Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việc các địa phương chủ động tham gia phái đoàn công tác tích cực tham dự các phiên tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới không chỉ góp phần giải trình, vận động ghi danh mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của các địa phương trong việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong bảo tồn, giáo dục và phát triển du lịch di sản, khẳng định vị thế của các địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. 

Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/viet-nam-bao-ve-va-van-dong-ghi-danh-di-san-150569.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm