Với nền tảng vĩ mô vững chắc, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế số, Việt Nam đang bước vào "thập kỷ vàng" để hiện thực hóa khát vọng trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Động lực chính cho sự chuyển mình này đến từ hai yếu tố then chốt là đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân.
Đây là nội dung chính được nêu ra tại Báo cáo "Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025" được công bố tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025), ngày 22/4.
Điểm sáng giữa bối cảnh bất định toàn cầu
Sự kiện VIPC Summit 2025 có sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình," diễn đàn khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, từ đó hướng tới mục tiêu thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Báo cáo "Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025" - do Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) phối hợp thực hiện - đã cung cấp cái nhìn toàn diện và thuyết phục về tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt.
Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các yếu tố nền tảng vững chắc của Việt Nam, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.
Nhấn mạnh đây là “thời điểm bứt phá,” báo cáo chỉ ra một loạt các yếu tố thuận lợi hiếm có, tạo nên sức hút đặc biệt của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư.
Về vĩ mô, GDP tăng trưởng ấn tượng đạt 7,1% trong năm 2024, vượt trội so với phần lớn các nền kinh tế châu Á. Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh và dự kiến đạt quy mô 1.100 tỷ USD vào năm 2035, gấp 2,5 lần so với hiện tại.

Bằng chứng khác là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào với giá trị giải ngân 25 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ chiếm 46% dân số vào năm 2030, từ đó tạo ra một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. Đặc biệt, kinh tế số đang đóng góp ngày càng lớn khi đạt 18,3% GDP và hướng tới mục tiêu 35% vào năm 2030.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures, nhận định Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và chính sách tiên phong.
“Dòng vốn đã sẵn sàng và thời điểm là bây giờ,” bà Vy nói.
Hệ sinh thái sẵn sàng cho quy mô lớn
Báo cáo cũng chỉ ra Chính phủ đã và đang quyết liệt triển khai lộ trình chuyển đổi kinh tế, trong đó tập trung vào các trụ cột kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao. Cụ thể là từ cải cách thị trường vốn đến định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, hạ tầng tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này tạo điều kiện thuận lợi cho các lối thoát vốn minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong tương lai gần.
Song song đó, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất mà còn đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chia sẻ “câu chuyện” tăng trưởng của Việt Nam ngày nay gắn chặt với chiến lược đổi mới sáng tạo. Việt Nam không chỉ đầu tư vào hạ tầng vật chất mà còn xây dựng những hệ sinh thái sẵn sàng cho tương lai - nơi hội tụ tài năng số, công nghệ cao và nguồn vốn quốc tế. Một lần nữa, ông cũng khẳng định đây là thời điểm quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo linh hoạt hàng đầu châu Á.
Để thực hiện hóa định hướng này, việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt. Theo báo cáo, Việt Nam ghi nhận có gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore.
Cơ hội cho vốn tư nhân
Một trong những nội dung quan trọng khác tại báo cáo là nêu bật những hướng tạo giá trị cho nhà đầu tư. Cụ thể là vấn đề về hợp tác với các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để mở rộng ra khu vực ASEAN; Đầu tư vào các startup số giai đoạn đầu, đặc biệt trong AI, tự động hóa và nông nghiệp công nghệ cao; Số hóa các ngành truyền thống còn phân mảnh; Tập trung vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và logistics bền vững; Xây dựng hạ tầng thông minh và dịch vụ công số tại các đô thị cấp hai.
Ông Ben Sheridan, Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư Tài chính tại BCG, nhận định Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều yếu tố thuận lợi hiếm có mở ra những cơ hội chưa từng có cho dòng vốn tư nhân. Nhà đầu tư nào hiểu rõ đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và có tầm nhìn dài hạn sẽ có cơ hội định hình “làn sóng” tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam. Báo cáo này chính là kim chỉ nam chiến lược cho những bước đi sắp tới," ông Ben Sheridan nói.
Theo báo cáo, mặc dù tổng giá trị vốn tư nhân giảm 35% trong năm 2024 song mức độ tham gia của nhà đầu tư vẫn rất tích cực. Cụ thể, nền kinh tế ghi nhận có gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm và chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản cùng Việt Nam. Trong đó, các thương vụ dưới 500.000 USD tăng 73%, điều này cho thấy sức bật trở lại của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới, trong đó đầu tư vào startup AI tăng gấp 8 lần so với năm 2023, đầu tư vào AgriTech tăng gấp 9 lần nhờ nhu cầu về an ninh lương thực và chuỗi cung ứng số.

Với tư cách là một nhà đầu tư đã vào Việt Nam được một thập kỷ, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập Golden Gate Ventures, chia sẻ môi trường kinh doanh rất hấp dẫn, đặc biệt là con người Việt Nam với trình độ học vấn, tài năng cùng khát vọng xây dựng lên các doanh nghiệp lớn và đổi mới…
Ông cũng cho biết Golden Gate Ventures là một quỹ đầu tư có tổng tài sản quản lý (AUM) là 300 triệu USD và đang thực hiện hơn 100 khoản đầu tư tại châu Á, trong đó gần 20 khoản đầu tư là ở Việt Nam. Hai năm gần đây, Golden Gate Ventures tiếp tục tăng tốc đầu tư và một phần ba tất cả các khoản đầu tư mới là hướng vào Việt Nam.
Có chung quan điểm, ông Chad Ovel đại diện từ Mekong Capital cho rằng diễn đàn là sự kiện quan trọng để nhắc nhở cộng đồng đầu tư bên ngoài rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư tuyệt vời.
Ông Chad Ovel chia sẻ: “Mekong Capital đã đầu tư vào Việt Nam được 25 năm. Hiện, nhiều nhà đầu tư mới vẫn chưa có được những trải nghiệm tích cực mà chúng tôi đã có tại đây. Vì vậy, việc tổ chức một sự kiện như thế này sẽ giúp đưa Việt Nam lên “bản đồ” tài chính quốc tế. Sự kiện này cũng là chứng minh cho thấy một cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư sôi động ở đây đồng thời qua đây kết nối các nhà đầu tư trong khu vực với những các nhà đầu tư hiện đang có mặt tại Việt Nam.”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-buoc-vao-thap-ky-vang-cho-doi-moi-sang-tao-va-von-tu-nhan-post1034358.vnp
Bình luận (0)