Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa Hè Thu. Vụ lúa này, nông dân kém vui bởi năng suất thấp, giá bán không cao.
Giá lúa và năng suất lúa giảm, nông dân có lợi nhuận không cao. |
Để đảm bảo sản xuất trong vụ lúa Hè Thu năm nay, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, tăng cường quản lý sâu bệnh, tập huấn nông dân về kỹ thuật sản xuất lúa và phòng trừ sâu bệnh, phòng chống thiên tai nên đã hạn chế được thiệt hại trong sản xuất lúa.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương; áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất: làm đất kỹ, sản xuất, canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); khuyến cáo và nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, canh tác bền vững, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối. Nhờ đó, chất lượng lúa vụ này được đảm bảo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, cộng thêm giá lúa không cao nên năng suất vụ này giảm, khiến lợi nhuận của nông dân cũng giảm hơn trước.
Ghi nhận tại nhiều cánh đồng, nông dân thu hoạch lúa Hè Thu năng suất từ 9-11 bao lúa tươi mỗi công, ước đạt khoảng 22-28 giạ/công. Theo nông dân, năng suất này không cao, nguyên nhân do thời điểm trổ trùng vào các đợt mưa làm hạt lúa vô gạo kém, trong khi đó nắng nóng, kèm mưa bất thường khiến cây lúa kém phát triển.
Bên cạnh đó, giá lúa cũng giảm hơn, với giống lúa gieo sạ phổ biến là OM 5451, nông dân thu hoạch bán lúa tươi tại ruộng 5.500-5.800 đ/kg.
Vừa thu hoạch xong 6 công lúa Hè Thu giống OM 5451, với khoảng 11 bao lúa mỗi công, chú Trần Văn Minh (xã Long Hồ) cho biết: “Năng suất lúa vụ này khoảng 27,5 giạ/công, tương đương khoảng 5,5 tấn/ha. Chỉ ở mức kha khá. Do nhận tiền cọc sớm nên giá bán chỉ 5.500 đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lời khoảng 1 triệu đồng/công.
Vụ này, giá lúa thấp mà chi phí phân bón, thuốc BVTV lại tăng thêm”.
Chú Trần Văn Hai (xã Hòa Hiệp) cho biết: “Vụ này năng suất lúa giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, xen kẽ mưa lớn thất thường, ẩm độ không khí cao nên bệnh tăng nhiều trong giai đoạn lúa đang trổ. Giá lúa cũng giảm khoảng 800-1.000 đ/kg, nên không có lời nhiều”.
Ngành chức năng dự báo, với những cánh đồng lúa Hè Thu chưa thu hoạch, diện tích lúa bị đổ ngã thời gian tới có khả năng gia tăng nhất là trên trà lúa chắc xanh- chín. Bên cạnh đó, diện tích bệnh đạo ôn- lem lép hạt có thể tăng do điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ. Và giai đoạn lúa trổ chín (nhất là trên trà muộn) thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm... Đồng thời, chuột tiếp tục gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy, ruộng có gò cao, ven đường, bãi hoang, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ không tập trung.
Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo những diện tích lúa Hè Thu thu hoạch xong cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý nấm Trichoderma giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ; theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ (bù lạch), chuột, cỏ dại,…
Thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh phát triển trên lúa Hè Thu muộn và đạo ôn lá trên lúa Thu Đông sớm. Lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ- chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị có liên qua thăm đồng thường xuyên, điều tra, bám sát từng địa bàn cụ thể, phát hiện sớm sâu bệnh trên lúa (đặc biệt lưu ý rầy nâu, rầy phấn trắng, bệnh đạo ôn, lem lép hạt,…), tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại thông qua hệ thống bẫy đèn, để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch hại gây ra. Đặc biệt, tiếp tục chủ động phòng chống, ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh gây hại trên cây lúa.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202507/vu-lua-he-thu-loi-nhuan-khong-cao-8ae2aaf/
Bình luận (0)