Chiều 6.4, những người yêu hoa tại Hà Nội đã có buổi giao lưu về nghệ thuật cắm hoa Ikebana Nhật Bản cùng nghệ nhân - tác giả Nguyễn Thanh Hiền và tiến sĩ văn học Nhật Bản Đào Thị Thu Hằng. Sự kiện do Book Hunter kết hợp cùng Japan Foundation tổ chức.
Tác giả Nguyễn Thanh Hiền (bút danh: mBug) là một trong những gương mặt nổi bật của nghệ thuật Ikebana tại Việt Nam. Từ một kỹ sư điện tử viễn thông, chị đã rẽ hướng sang con đường nghệ thuật, trở thành giáo viên Ikebana cấp độ 3 trực thuộc Trường Sogetsu (Nhật Bản) và được quốc tế ghi nhận qua nhiều giải thưởng như Giải Tsukino-fune 2024 và Giải vàng Ikebana tại Melbourne.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ hành trình đến với nghệ thuật Ikebana
ẢNH: TUẤN MINH
Với phong cách cắm hoa dung hòa tinh thần Nhật Bản và thiên nhiên Việt Nam, chị không chỉ sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo mà còn lan tỏa triết lý sống an yên, sâu lắng đến cộng đồng yêu hoa.
Nghệ thuật Ikebana đã cho tôi trải nghiệm cuộc sống
Tại chương trình, nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền đã chia sẻ hành trình đến với nghệ thuật cắm hoa Ikebana và truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa. Chị cho biết mình từng công tác ở một tập đoàn lớn nhưng thấy không yêu thích công việc hiện tại. Một thời gian dài chị bị mất cân bằng vì không phù hợp với công việc và hay đau ốm.
Chị Lê Hồng Hạnh - một học trò của trường phái nghệ thuật Ikebana cùng tác phẩm được trưng bày tại chương trình
ẢNH: TUẤN MINH
"Tôi có 38 ngày ngủ, mặt mày biến dạng và liên tục nằm viện. Khi đó tôi cảm thấy như cuộc đời kết thúc. Tôi nhớ về thời trẻ, làm công tác xã hội với nhiều khát khao, nên đã xin nghỉ không lương 6 tháng và đến với Làng Mai (một tu viện tại Việt Nam), tôi đã thực hành được lối sống ung dung tự tại và phát hiện mình có sở trường về cắm hoa. Tôi thường cắm hoa, đưa hình ảnh lên Facebok và nhận được nhiều lời khen. Từ đó tôi thấy mình có giá trị. Có hoa tôi đã tìm ra chính mình và đã theo môn nghệ thuật này", chị chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền và nhà báo Phan Đăng giới thiệu về cuốn sách
ẢNH: TUẤN MINH
Chị cũng cho biết khi theo đuổi môn nghệ thuật này chị thấy yêu sự vô thường. "Khi cắm hoa, tôi tưởng tượng sự vô thường; hoa đang đẹp đấy, nhưng ngày mai không còn nữa. Đời người cũng vậy, cần chấp nhận đời sống ngắn ngủi, chấp nhận mọi nhân duyên đến và đi trong đời. Từ đó mình sẽ cảm nhận hạnh phúc. Nghệ thuật cắm hoa đã cho tôi trải nghiệm cuộc sống và muốn lan tỏa triết lý của nghệ thuật này đến cộng đồng", chị Hiền bày tỏ.
Cuốn sách Trên bàn tay hoa nở ra mắt độc giả
ẢNH: TUẤN MINH
Đó cũng là lý do chị cho ra mắt cuốn sách Trên bàn tay hoa nở để kể về hành trình nghệ thuật của mình.
Nhận định về cuốn sách, PGS-TS Đào Thị Thu Hằng là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản cho biết: cuốn sách mở ra nhiều điều mà những người yêu hoa cần tham khảo.
"Hoa sớm nở tối tàn tượng trưng cho sự hữu hạn trăm năm của đời người. Hoa không chỉ hiện hữu trong vẻ đẹp tàn phai mà còn được lưu giữ khoảnh khắc cuối cùng trở nên bất tử, hướng con người đến sự trân trọng những khoảnh khắc tự nhiên và lưu giữ khoảnh khắc đó", bà Hằng nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vuot-qua-tram-cam-nho-nghe-thuat-ikebana-nhat-ban-18525040617412959.htm
Bình luận (0)