Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương): Vượt khó vươn lên bằng tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường

Từ một xã khó khăn của huyện Thanh Chương, xã Thanh Hà đã vượt lên bằng chính sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, con em xa quê, tạo ra sự phát triển toàn diện. Thanh Hà được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2024 tại Quyết định số 290/QĐ-UBND ngày 2/4/2025 là một minh chứng rõ ràng nhất.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An26/04/2025

Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Thanh Hà động viên nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Thanh Hà động viên nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Huy động sức mạnh tổng hợp

Xã Thanh Hà là một địa phương khó khăn của huyện Thanh Chương. Xã xuất phát điểm thấp, nên bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, khi cấp ủy đề ra chủ trương đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2024, đã nhiều cán bộ, đảng viên và người dân băn khoăn, hoài nghi.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng - Trưởng thôn 3, xã Thanh Hà chia sẻ: “Khó nhất là kinh tế của người dân không đồng đều; khi làm đường giao thông có nhiều tuyến số hộ dân sinh sống có độ giãn cách lớn, đồng nghĩa mức đóng góp cao. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, liên tục nhiều hội nghị, họp bàn được tổ chức, từ chi bộ, đến thôn, xóm, các tổ tự quản, chỗ nào khó khăn, vướng mắc đều có cán bộ, công chức xã đồng hành vào cuộc. Từ đó, người dân được “khơi thông” tư tưởng, đường làm đến đâu người dân đóng góp tiền, hiến đất, tự giải phóng mặt bằng đến đó. Hộ có điều kiện kinh tế đóng góp nhiều hơn để “gánh” cho hộ khó khăn.

 Đổ bê tông đường nông thôn tại xã Thanh Hà
Người dân Thanh Hà (huyện Thanh Chương) góp tiền, góp công làm đường bê tông. Ảnh: Mai Hoa

Với quyết tâm của hệ thống chính trị; cấp ủy đã họp lên, họp xuống nhiều lần, từ chi bộ, đến thôn, xóm, các tổ tự quản. Chỗ nào khó khăn, vướng mắc đều có cán bộ, công chức xã đồng hành vào cuộc nên đã tạo thành quả nông thôn mới hôm nay.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng - Thôn trưởng thôn 3, xã Thanh Hà

Được biết, làm nông thôn mới ở xã Thanh Hà, hộ góp ít nhất 20 triệu đồng và cao nhất trên 80 triệu đồng. Điển hình 5 hộ ở cụm dân cư Cồn Đền, ngoài đóng góp theo định mức chung của thôn, các hộ dân đã tự bàn bạc đóng mỗi hộ 60 - 80 triệu đồng làm đường bê tông trước nhà mình.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh đã bán 1 con trâu, vay mượn anh em, họ hàng và hỗ trợ của các con để đóng góp 80 triệu đồng làm đường giao thông, cộng với hơn 27 triệu đồng đổ bê tông từ đường xóm vào nhà. Gia đình ông Trần Văn Duân ở thôn 2, dù thuộc diện hộ nghèo cũng đã bán con bê hơn 10 triệu đồng đóng góp làm đường giao thông...

 20
Bộ mặt nông thôn mới ở xã Thanh Hà được quan tâm đầu tư nâng cấp. Ảnh: Mai Hoa

Ghi nhận phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Hà, đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Đó là lòng dân, sức dân được phát huy cùng sự đồng hành, góp sức của con em xa quê. Nếu không có ý chí vượt lên khó khăn, tự lực, tự cường của người dân thì không có những con đường nhựa, bê tông, đổ cấp phối; không có các cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi, giải trí từ xã đến các thôn được đầu tư đồng bộ; không có bộ mặt nông thôn được chỉnh trang; ý thức chăm lo bảo vệ môi trường: xanh - sạch - đẹp trong nhân dân cũng được nâng lên”.

Nếu không có ý chí vượt lên cái khó, tự lực, tự cường của người dân và đồng hành của con em xa quê xã Thanh Hà, thì không có những con đường nhựa bê tông, đổ cấp phối và cơ sở vật chất văn hóa, thể thao khang trang.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

 Đổ nhựa đường giao thông tại xã Thanh Hà. Ảnh- Mai Hoa
Làm đường nhựa tại xã Thanh Hà. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với sức dân, thành công trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Hà có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ huyện. Đồng chí Đặng Hữu Biền - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: Từ các đồng chí lãnh đạo huyện và từng phòng, ban, ngành cấp huyện đã về khảo sát trực tiếp hiện trạng, định hướng, hướng dẫn cách làm, tạo điều kiện về nguồn lực để địa phương hoàn thành từng nội dung, tiêu chí.

Huyện ưu tiên phân bổ, hỗ trợ thêm nguồn xi măng ngoài chính sách của tỉnh, đồng thời, bố trí nguồn ngân sách đầu tư trọng điểm, tạo “cú hích” cho địa phương, đặc biệt, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới thông qua đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học và nhựa hóa một số tuyến đường chính của xã. Nhờ đó, hiện 2/3 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế và thiết chế văn hóa xã vùng 5/5 thôn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Trong 4 năm (2021 - 2024) nhờ quyết liệt xây dựng nông mới, xã Thanh Hà đã thực hiện đạt chuẩn 85/91,5 km đường giao thông; trong đó có đường nhựa, bê tông; số còn lại được cấp phối cùng hệ thống giao thông nội đồng.

Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trong 4 năm (2021 - 2024) của địa phương đạt hơn 69 tỷ đồng, trong đó, nhân dân và con em xa quê đóng góp 8,4 tỷ đồng, tương đương 12,16%. Riêng làm đường giao thông hơn 35,7 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 6,8 tỷ đồng, tương đương 25,8 %.

Trong xây dựng nông thôn mới, không tổ chức, cơ quan, đơn vị nào và không có cán bộ, công chức nào của xã Thanh Hà đứng ngoài cuộc. Từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp Đảng bộ xã đều được phân công và chịu trách nhiệm chỉ đạo từng cụm và từng thôn, từng tiêu chí cụ thể; từng cán bộ, công chức phụ trách từng nội dung, tiêu chí và địa bàn thôn để chỉ đạo.

Trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Hà, không có tổ chức, cơ quan và cá nhân nào đứng ngoài cuộc, tạo thành khối đoàn kết và sức mạnh tổng hợp vô cùng quan trọng.

Đồng chí Đặng Hữu Biền - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà

Xã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều đảm nhận từng nội dung, công việc cụ thể; từ tuyên truyền, vận động nhân dân “chung tay xây dựng nông thôn mới”, chăm lo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo; nâng cấp, chỉnh trang các nhà văn hóa các thôn đẹp; xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp”, đường cây xanh, đường hoa, đường điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường; xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới, mô hình kinh tế.

Từng thôn trong xã cụ thể hóa từng công việc cho từng tổ tự quản, phát huy quyền làm chủ của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, tạo sự đồng thuận của người dân và con em xa quê...

 Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Thanh Hà tìm hiểu mô hình kinh tế vườn đồi tại địa phương. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Thanh Hà tìm hiểu mô hình kinh tế vườn đồi tại địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Chăm lo nâng cao đời sống người dân

Xã Thanh Hà hôm nay, các tuyến giao thông được nâng cấp nhằm chống ngập lụt và mở rộng 5 - 8m, đổ nhựa, bê tông hoặc cấp phối. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hệ thống chiếu sáng và nhà ở dân cư được đầu tư khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Nhiều người dân xã Thanh Hà đã bước ra khỏi “lũy tre làng” để tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước; là công nhân lành nghề tại các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Xã Thanh Hà hiện có 385 người tham gia lao động ở nước ngoài. Đặc biệt, tại địa bàn có 5 nhà máy chế biến chè, chế biến gỗ tạo việc làm cho nhiều lao động.

Những người làm nông nghiệp tại quê nhà cũng tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; năng động chuyển hướng kết hợp làm nông nghiệp và kinh doanh, dịch vụ. Xã có 107 hộ thực hiện mô hình kinh doanh, dịch vụ cưa, mộc, vận tải, dịch vụ nông nghiệp,...

 Cây sâm Thổ Hào là một cây trồng mới được khôi phục trồng đem lại giá trị ở huyện Thanh Chương
Cán bộ nông nghiệp huyện Thanh Cương kiểm tra việc khôi phục trồng cây sâm Thổ Hào ở xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi dê, lợn, gà thương phẩm, thay cho hình thức tự cung, tự cấp trước đây. Bà con đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả như: bưởi, cam, ổi, mít…. Nông dân xã Thanh Hà cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa năng suất và giá trị hàng hóa cao; xây dựng một số mô hình kinh tế mới như: đưa cây bí xanh vào trồng; xây dựng, phát triển 5 mô hình trang trại, gia trại.

Đặc biệt, địa phương đã khôi phục thành công việc trồng giống sâm Thổ Hào có giá trị kinh tế cao, với tổng hơn 2 ha và đang tiếp tục nhân rộng. Từ sự năng động trong sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, hiện nay, thu nhập trên địa bàn đã được cải thiện, đạt bình quân hơn 50 triệu đồng/người/năm.

 Cơ sở vất chất và môi trường giáo dục ở cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Hà chăm lo
Cơ sở vất chất giáo dục, trường học ở cả 3 bậc học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Hà chăm lo. Ảnh: Mai Hoa

Kinh tế ổn định, đời sống tinh thần của bà con nhân dân xã Thanh Hà cũng quan tâm chăm lo. Người dân được sống trong môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện. Và không chỉ người dân được hưởng lợi trực tiếp từ kết quả xây dựng nông thôn mới, mà từng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng trưởng thành hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tỵ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Hà, cho rằng: “Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn được nâng cao; tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc sát dân, gần dân được phát huy. Phương thức và nội dung hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là chương trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là cơ hội để hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, đổi mới và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả hơn”.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là chương trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là cơ hội để hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, đổi mới và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tỵ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Hà

Hiện nay, theo định hướng tiếp tục sắp xếp, sáp nhập xã, xã Thanh Hà dự kiến sáp nhập cùng các xã Thanh Thủy, Kim Bảng. Kết quả đạt được thông qua xây dựng nông thôn mới đang tạo niềm tin, động lực cho cán bộ và nhân dân xã Thanh Hà tự tin hòa nhịp cùng với các địa phương để tiếp tục phát triển cao hơn sau khi sáp nhập thành xã mới.

Nguồn: https://baonghean.vn/xa-thanh-ha-huyen-thanh-chuong-vuot-kho-vuon-len-bang-tinh-than-doan-ket-tu-luc-tu-cuong-10296003.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm