Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam

Ngày 24/5/2025, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk24/05/2025

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị.

Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường của 23 tỉnh, thành; các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trồng sầu riêng, các phòng thử nghiệm trên cả nước…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì hội nghị.

Ngành hàng sầu riêng đã trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với Trung Quốc được ký kết.

Cụ thể: Từ năm 2015 - 2024, diện tích sầu riêng tăng nhanh từ 32.000 ha lên hơn 178.000 ha vào năm 2024 (trung bình mỗi năm tăng 16.300 ha/năm). Các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai và Đắk Nông có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Trong đó, Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu, với diện tích trên 38.800 ha, chiếm gần 22% tổng diện tích trồng sầu riêng toàn quốc.

Đến nay, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.527 mã số vùng trồng và 299 mã cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam (Đắk Lắk có 39 cơ sở đóng gói và 268 mã vùng trồng).

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, cùng các đại biểu tham dư hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cùng các đại biểu tham dư hội nghị.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đã cán mốc hơn 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản.

Sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sản phẩm đông lạnh đã xuất sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hoa Kỳ… Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất (năm 2024 chiếm 97,2%).

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân bắt nguồn từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn, cùng với đó là sự gia tăng kiểm soát về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, nhất là chất vàng O và chất cadimi. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Trung Quốc đã chính thức cho phép Campuchia, Malaysia... xuất khẩu sầu riêng nên phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần của sầu riêng Việt Nam.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm như: phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng "nóng" về sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng; làm rõ những nguy cơ tiềm ẩn nếu thiếu các công cụ quản lý và cơ chế điều tiết hợp lý; đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và kiểm soát chất lượng, đặc biệt là đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, đề xuất các phương án tổ chức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất sầu riêng theo hướng minh bạch, có ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở lại vùng nguyên liệu; hiến kế các giải pháp dài hạn cho chiến lược phát triển thị trường, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia và nâng cao khả năng cạnh tranh, cũng như tạo vị thế cho sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (bìa phải) và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cùng đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành hàng sầu riêng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính hệ thống, đòi hỏi phải được xử lý, giải quyết đồng bộ và kịp thời.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai nghiêm túc các nhóm, nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg, ngày 23/5/2025 về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời, ghi nhận những đề xuất đặt hàng từ phía doanh nghiệp để sớm cụ thể hóa thành các chương trình hành động…

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202505/xay-dung-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-sau-rieng-viet-nam-c3f0e13/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm