Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc. |
Mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên đề ra là phải xây dựng, hình thành văn hóa “AI xứ trà” và tư duy “AI First” (ưu tiên AI) trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công việc.
Tin liên quan |
AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Do vậy, việc phổ biến và đưa AI vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng, cần làm ngay của các ngành, địa phương.
Đối với Thái Nguyên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trở thành một trong số ít tỉnh, thành tiên phong của cả nước có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số.
Tiếp đó, để cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số, chính quyền tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch về triển khai chương trình “Bình dân học AI” và Đề án phát triển năng lực số giai đoạn 2024-2025.
Chương trình “Bình dân học AI” ở Thái Nguyên đang được triển khai mạnh mẽ với quyết tâm rất cao, phấn đấu đến hết năm 2025, có 100% địa phương trong tỉnh hình thành được mạng lưới triển khai chương trình “Bình dân học AI” ở cơ sở; tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành lập được nhóm cán bộ nòng cốt lan tỏa chương trình ngay trong chính cơ quan, đơn vị mình.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng chủ động tổ chức để 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc, trong đó 50% cán bộ áp dụng AI hiệu quả, thấy được năng suất, chất lượng trong thực thi nhiệm vụ.
Phấn đấu có 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được học và ứng dụng nền tảng AI để hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, trong đó có 50% ứng dụng hiệu quả.
Một trong những mục tiêu quan trọng của “Bình dân học AI” ở Thái Nguyên chính là hình thành văn hóa ứng dụng “AI xứ trà” trong toàn tỉnh với 80% người trong độ tuổi lao động được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng AI cơ bản online, trong đó có ít nhất 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản.
Để thực sự đưa ứng dụng AI trở thành thói quen thường trực của toàn dân trong đời sống hằng ngày, đòi hỏi ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi việc thực hiện Phong trào thi đua “Bình dân học AI” là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, người đứng đầu đơn vị phải song hành, phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Cần đa dạng nội dung, phong phú hình thức, phát huy được tinh thần học hỏi, tư duy sáng tạo, bảo đảm đạt kết quả cao nhất.
Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở, đồng thời có kiểm tra, đánh giá bảo đảm đúng thực chất, không hình thức, phô trương.
Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó cần tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ chuyên gia về AI, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nguồn, cán bộ nòng cốt; xây dựng các nhóm cộng đồng để chia sẻ, hỗ trợ trong công tác đào tạo, tập huấn và ứng dụng nền tảng AI.
Đặc biệt, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn dân hãy tích cực, chủ động tìm hiểu, học tập về AI, đẩy mạnh ứng dụng AI trong cuộc sống, không ngừng lan tỏa, chia sẻ về AI với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng đồng...
Nguồn: https://baoquocte.vn/xay-dung-van-hoa-ai-xu-tra-thai-nguyen-310175.html
Bình luận (0)