Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xóa mù chữ nơi biên giới

(Baothanhhoa.vn) - Gieo mầm con chữ trên vùng đất khó nơi rẻo cao biên giới là hành trình mà những người lính biên phòng Thanh Hóa đang đồng hành cùng với chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Để đồng bào ai cũng biết đọc, biết viết, lớp học này qua, lớp mới lại mở, các anh lại tiếp tục in dấu chân trên mọi nẻo đường, mang "ánh sáng” về nơi bản nghèo biên giới.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa31/03/2025

Xóa mù chữ nơi biên giới

Đại úy Hơ Văn Di, Đồn Biên phòng Trung Lý trong giờ dạy tại lớp xóa mù chữ.

Là một trong những xã biên giới có diện tích rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của huyện Mường Lát, xã Trung Lý có 15 bản, được phân bố trải dài hàng chục km. Khoảng cách từ trung tâm xã đến bản xa nhất (bản Tà Cóm) khoảng 50km đường rừng, với rất nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Cùng với đó nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, khiến nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ chưa biết đọc, biết viết.

Từ tình hình đó, trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Trung Lý luôn quan tâm, chú trọng làm tốt công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho Nhân dân trên địa bàn. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Mường Lát, hằng năm Đồn Biên phòng Trung Lý đã xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện.

Thiếu tá Lê Văn Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý, cho biết: “Công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho bà con là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, trước hết là phải thay đổi nhận thức của người dân, làm cho người dân có quyết tâm “chinh phục con chữ”. Đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là hội liên hiệp phụ nữ xã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân; cử cán bộ đến từng gia đình để vận động, thuyết phục người dân tham gia lớp xóa mù chữ, với tinh thần “ai chưa biết chữ thì đi học chữ, ai đã biết rồi thì học thêm để không tái mù”.

Trong thực hiện nhiệm vụ tham gia xóa mù chữ cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý đã không quản khó khăn, tích cực vận động, thuyết phục người dân đến lớp dạy chữ. Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động đó, từ năm 2022 đến nay Đồn Biên phòng Trung Lý đã phối hợp mở được 5 lớp xóa mù chữ cho hơn 150 người dân. Hiện nay, đơn vị đang duy trì lớp xóa mù chữ cho người dân ở bản Tà Cóm, lớp học diễn ra vào buổi tối các ngày trong tuần. Trong thời gian tiếp theo, đơn vị sẽ phối hợp mở thêm các lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc Mông ở các bản Nà Ón, Xa Lao, Cá Giáng, Cánh Cộng...

Đại úy Hơ Văn Di, Đồn Biên phòng Trung Lý, cho biết: "Khi cái ăn còn chưa no thì việc vận động bà con đến lớp không phải chuyện “một sớm, một chiều”. Trong quá trình dạy xóa mù chữ, cán bộ đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ấn tượng nhất đối với tôi là nữ học viên sinh năm 1965, người dân tộc Mông, vượt qua rào cản về tuổi tác, suốt 3 tháng chị kiên trì, bền bỉ đến lớp, rèn từng nét chữ và rồi đã biết đọc, biết viết. Đối với tôi, dạy xóa mù chữ cho đồng bào là việc làm thường xuyên và tôi luôn cố gắng để “không ai bị bỏ lại phía sau” do mù chữ".

Tại bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) hiện có 75 hộ dân tộc Mông thì 8 hộ thuộc diện nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng, đời sống của dân bản đã từng bước được nâng lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, bộ mặt NTM không ngừng được khởi sắc. Tuy nhiên, do bà con ít khi sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp, nên tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, công tác xóa mù chữ đã được đồn biên phòng chú trọng, đẩy mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn để tổ chức mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân tại bản Pù Đứa. Cứ sau một ngày tất bật với công việc nương rẫy, bắt đầu từ 7 giờ tối những người phụ nữ ở bản Pù Đứa lại cùng nhau vượt đồi, leo núi đến nhà văn hóa bản để học “cái chữ”. Lớp có gần 40 học viên, hầu hết là phụ nữ, người nhiều tuổi nhất vào khoảng 60 tuổi. Có người lần đầu tiên tiếp xúc với con chữ, có người đã được cán bộ đồn biên phòng dạy chữ từ trước đó, nhưng quên nay học lại. Từ tâm lý tự ti, e ngại của những ngày đầu đến lớp, nay hầu hết học sinh trong lớp xóa mù đều rất háo hức, vui mừng chờ đến buổi lên lớp.

Theo thống kê, trên địa bàn 11 huyện miền núi vùng thượng du Thanh Hóa hiện còn hơn 12 nghìn người từ 15 đến 60 tuổi mù chữ mức độ 2. Một số huyện có số lượng người mù chữ cao như: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành, Như Thanh...

Hiện còn nhiều khó khăn và cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cộng đồng đối với người dân vùng cao, biên giới trong việc nâng cao dân trí. Song những việc mà cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng Thanh Hóa đóng quân trên địa bàn biên giới đang thực hiện giúp dân, trong đó có những lớp học xóa mù chữ là minh chứng rõ nét nhất, khẳng định tình đoàn kết, gắn bó giữa người lính biên phòng và Nhân dân các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xoa-mu-chu-noi-bien-gioi-244089.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm