Lợi ích kép từ chế phẩm sinh học
Thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Tây Ninh đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ sinh học nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh và xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu tác động môi trường. Trong đó, chế phẩm sinh học và men vi sinh là một trong những giải pháp hữu hiệu, chi phí thấp, dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại gà thịt tuần hoàn khép kín của Công ty Đức Trọng. Ảnh: Trần Trung.
Ghé thăm trang trại gà thịt Đức Trọng tọa lạc tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, dù quy mô đàn gà thịt lên đến gần 200.000 con, nhưng ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không hề ngửi thấy mùi hôi. Điều này có được là nhờ vào việc sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh phối trộn vào thức ăn, nước uống và đệm lót sinh học.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Quản lý trang trại gà tiết lộ, một trong những yếu tố quan trọng trong chăn nuôi gia gia cầm chính là vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt là các lợi khuẩn. Chức năng của lợi khuẩn không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn giúp củng cố sức đề kháng, tối ưu hóa tăng trưởng cho vật nuôi một cách an toàn.
Anh Nguyễn Anh Tuấn hòa tan chế phẩm sinh học trước khi đưa vào hệ thống uống nước tự động. Ảnh: Trần Trung.
Hiện, xu hướng chăn nuôi thân thiện, đảm bảo môi trường và không sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng, men vi sinh đã trở thành một phần quan trọng trong khẩu phần ăn và thức uống của gia cầm. Men vi sinh cung cấp vi sinh vật có lợi giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Nhờ vậy, gà khỏe mạnh hơn, ít mắc bệnh hơn, dẫn đến tỷ lệ hao hụt thấp và năng suất cao hơn.
Ngoài ra, sử dụng men vi sinh mang lại hiệu quả vượt trội trong việc giảm mùi hôi từ chuồng trại. Chỉ sau một thời gian ngắn, các hợp chất hữu cơ gây mùi khó chịu trong phân, nước tiểu và thức ăn thừa được vi sinh vật phân giải, chuyển hóa thành các chất không gây mùi. Đặc biệt, các chất thải sau xử lý bằng men vi sinh thường không gây hại, được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường và tối ưu nguồn tài nguyên.
Nhờ những lợi ích trên, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thuốc thú y, thức ăn và nhân công, đồng thời tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh sử dụng men vi sinh phối trộn vào thức ăn, nước uống, toàn bộ trang trại còn sử dụng đệm lót sinh học, đây là một giải pháp nuôi gà tiên tiến giúp nâng cao môi trường chuồng trại.
Toàn bộ khu nuôi đều được bảo vệ bởi đệm lót sinh học. Ảnh: Trần Trung.
Thành phần chính để làm đệm lót sinh học là trấu (vỏ lúa), nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Trước đây, trấu thường bị đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Nhờ ứng dụng men vi sinh, chất thải từ gia cầm không cần dọn dẹp thường xuyên mà chỉ cần thay lót nền sau mỗi 4 - 5 tháng. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí nhân công, điện năng trong giai đoạn úm và hạn chế bệnh đường ruột ở vật nuôi.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, nhờ đệm lót, hệ thống chuồng trại cũng trở nên sạch sẽ, khi môi trường chuồng trại sạch sẽ, không còn khí độc sẽ giúp vật nuôi tránh được các bệnh lý về đường hô hấp, một trong những vấn đề phổ biến ở các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, để tối ưu hóa về đệm lót, cần lưu ý việc xây dựng chuồng trại phải có nền cao để tránh ẩm ướt, đảm bảo hỗn hợp đệm lót luôn hoạt động hiệu quả.
“Trên thị trường hiện có rất nhiều loại chế phẩm sinh học khác nhau, mỗi loại có công dụng và cách sử dụng riêng. Do đó, cần lựa chọn loại chế phẩm sinh học phù hợp với nhu cầu và điều kiện chăn nuôi của mình”, anh Tuấn chia sẻ.
Hầu hết trang trại gia cầm tại Tây Ninh đều ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất kết hợp chế phẩm sinh học. Ảnh: Trần Trung.
Đảm bảo vùng an toàn dịch bệnh
Tân Châu là một trong những huyện của tỉnh Tây Ninh được công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle ở gà.
Những năm gần đây, Tân Châu được nhiều nhà đầu tư hàng đầu như Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Tập đoàn Hùng Nhơn, Masan, QL… lựa chọn để xây dựng dự án chăn nuôi công nghệ cao. Từ đó, hình thành các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Điểm chung các trang trại đều ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất kết hợp chế phẩm sinh học.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết thêm, tổng đàn gia cầm của huyện khoảng trên 2 triệu con. Cùng với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng được ngành chăn nuôi địa phương đặc biệt quan tâm.
Cùng với các giải pháp mạnh như đưa chăn nuôi ra khỏi khu vực đông dân cư, cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định..., huyện cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn, chăn nuôi công nghệ cao khép kín và chuồng lạnh. Việc ứng dụng công nghệ vi sinh cũng được địa phương khuyến khích thực hiện.
Cán bộ chăn nuôi và thú y huyện Tân Châu kiểm tra an toàn dịch bệnh trên đàn gà. Ảnh: Trần Trung.
Thực tế, men vi sinh hiện nay đang được các hãng thuốc thú y rất quan tâm, nghiên cứu, sản xuất đưa ra thị trường. Thành phần chủ yếu của các loại men vi sinh tập trung giúp chuyển hóa tốt thức ăn và phân hủy nhanh chất thải rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay của người dân theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp có quy mô tập trung.
Việc sử dụng men vi sinh đem lại lợi ích nhiều mặt cho người chăn nuôi. Đó là, khi men vi sinh được phối trộn với thức ăn giúp quá trình chuyển hóa thức ăn của gia cầm được tốt hơn, tăng sức đề kháng, hạn chế đáng kể các loại bệnh về đường tiêu hóa. Các hộ chăn nuôi sử dụng men vi sinh giảm khoảng 80% lượng thuốc thú y sử dụng so với không dùng men (chủ yếu là kháng sinh).
“Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay đang thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tương đối tốt, đáp ứng được yêu cầu. So với các gia trại và mô hình trang trại nhỏ lẻ, trang trại gà công nghệ cao thực hiện quy trình chăn nuôi, xử lý môi trường bài bản và hoàn thiện hơn”, ông Ân nhấn mạnh.
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có trên 10 triệu con gia cầm, hầu hết các trang trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú yTây Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 10 triệu con gia cầm, các trang trại chăn nuôi gà đều áp dụng chuồng kín có máng nước uống tự chảy và cấp thức ăn tự động, có hệ thống quạt thông gió và sử dụng chế phẩm sinh học để làm giảm ô nhiễm môi trường.
“Ngành chăn nuôi Tây Ninh đã chủ động tiếp cận và nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ cao đối với chăn nuôi gà công nghiệp. Bước đầu tạo bước đột phá và mở ra hướng phát triển chăn nuôi có năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh chia sẻ.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/xu-the-chan-nuoi-xanh-bai-1-ung-dung-hieu-qua-che-pham-sinh-hoc-d744713.html
Bình luận (0)